Những ngày này khi nhiều trường học vẫn đóng cửa trường, học sinh-sinh viên phải học trực tuyến thì nhiều sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) vẫn lên lớp, vào xưởng nghề thực hành với phương châm “3 tại chỗ”.

Bùi An Nhơn, sinh viên năm thứ 2 theo học ngành chế tạo thiết bị cơ khí (trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2) cho biết, những sinh viên của trường theo học chương trình “kép” theo tiêu chuẩn của CHLB Đức rất lo lắng khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Sinh viên phải nghỉ học dài ngày ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch thực hành, thực nghiệp.

“Sắp tới đây chúng em phải trải qua kỳ thi sát hạch AP1 quan trọng do chính các chuyên gia đến từ CHLB Đức đánh giá. Do vậy, nếu tiếp tục phải nghỉ học sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch học tập”, Bùi An Nhơn lo lắng.

Tuy nhiên, những lo lắng của Nhơn đã được giải tỏa khi trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 triển khai dạy học “3 tại chỗ” theo hướng dẫn của địa phương và của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho 3 lớp với 48 sinh viên theo học chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của CHLB Đức.

“Trước đó thời gian dịch bệnh kéo dài, chúng em đã phải nghỉ học rất nhiều nên khi nhà trường tổ chức học tập 3 tại chỗ này rất hợp lý. Thời gian này chúng em có thể được ôn tập lại kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi AP1 sắp tới”, Bùi An Nhơn cho biết.

Học tập 3 tại chỗ: “ăn - ở - học luôn tại trường", những sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 phải chấp hành tuyệt đối các quy định phòng chống dịch COVID-19. Chỉ đến giảng đường, xưởng nghề, nhà ăn và Ký túc xá. Tất cả các hoạt động của sinh viên đều diễn ra ở khuôn viên của nhà trường và tuyệt đối không được ra bên ngoài.

“Lúc đầu em cũng rất lo lắng khi trường triển khai dạy 3 tại chỗ trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn phức tạp. Tuy nhiên, việc học của chúng em giai đoạn này rất quan trọng. Sau một thời gian học theo 3 tại chỗ này em cảm thấy rất ổn. Ngoài việc lo ăn, ở, hàng tuần trường đều tổ chức test COVID-19 cho sinh viên”, Huỳnh Vũ Luân, sinh viên năm thứ 2 ngành lắp đặt thiết bị cơ khí cho biết.

Những sinh viên theo học chương trình chuyển giao theo tiêu chuẩn của Đức phải trải qua quá trình đào tạo khắt khe. Trong đó phải đảm bảo đủ thời gian học thực hành, kỹ năng. Sau khi tốt nghiệp, những sinh viên theo học chương trình này sẽ được cấp 2 bằng (1 bằng do trường cấp và 1 bằng do CHLB Đức cấp).

Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội được làm việc tại các doanh nghiệp lớn, thậm chí làm việc tại CHLB Đức. Do vậy, đối với Huỳnh Vũ Luân, thời gian được học theo mô hình 3 tại chỗ là khoảng thời gian "vàng" quý giá.

“Thời gian này, sinh viên chủ yếu học thực hành, trau dồi các kỹ năng. Cuối tuần, trường còn bố trí giảng viên để dạy những kiến thức chuyên môn để đảm bảo rằng chúng em có thể đủ kiến thức kỹ năng cho kỳ thi AB 1 sắp tới. Em mong rằng khi hoàn thành chương trình học, em có đủ trình độ, kỹ năng, ngoại ngữ để có thể sang Đức làm việc”, Huỳnh Vũ Luân cho biết.

Việc tổ chức học tập “3 tại chỗ” đã được trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 triển khai hơn một tháng nay. Thầy Nguyễn Ngọc Huy, giảng viên khoa cơ khí (trường Cao đẳng công nghệ Quốc tế Lilama 2) cho biết, mỗi giảng viên và sinh viên ý thức cao phòng chống dịch COVID-19.

“Cả khu vực học lý thuyết và thực hành đều phải đảm bảo khoảng cách giữa các bạn sinh viên. Giờ thực hành, mỗi sinh viên thực hành trên một máy. Giờ lý thuyết, mỗi sinh viên cũng ngồi một bàn, cách nhau 1 bàn trống. Bên cạnh đó phải khai báo y tế thường xuyên, theo dõi sức khỏe liên tục, toàn bộ sinh viên theo học 3 tại chỗ cũng đã được tiêm mũi 1 Vaccine COVID-19”, thầy Nguyễn Ngọc Huy nhấn mạnh.

Để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho sinh viên, trong khoảng thời gian học tập 3 tại chỗ, trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 tài trợ toàn bộ tiền ăn cho sinh viên, đồng thời miễn phí test COVID-19 hàng tuần.

Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng nhà trường Cao đẳng công nghệ Quốc tế Lilama 2 cho biết, chương trình đào tạo nghề theo tiêu chuẩn của CHLB Đức là sự hợp tác giữa hai Chính phủ về đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Chương trình hợp tác này có khung thời gian nhất định. Bên cạnh đó, các kỳ thi đầu khóa, cuối khóa (AP1, AP2) của CHLB Đức được tổ chức thi thống nhất ở cả trong nước và ngoài nước. Do vậy, những trường Cao đẳng nghề của Việt Nam có hợp tác đào tạo theo chương trình chuyển giao này phải tuân thủ theo đúng tiến độ thời gian.

“Mỗi sinh viên học 3 tại chỗ được nhà trường tài trợ tiền ăn 60.000/ngày. Ngoài ra, chi phí mỗi lần test nhanh COVID-19 cũng rất cao và đây cũng là một gánh nặng về chi phí đào tạo. Tuy nhiên, nhà trường cố gắng tạo điều kiện hết mức để sinh viên hoàn thành chương trình học, đảm bảo đúng tiến độ với đối tác. Giảng viên cũng phải ăn, nghỉ ngay tại trường. Việc tổ chức giảng dạy 3 tại chỗ cũng giúp cho việc trao đổi chuyên môn giữa sinh viên và giảng viên rất thuận lợi”, ông Nguyễn Khánh Cường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Khánh Cường cũng cho biết, trường đang lên kịch bản cho sinh viên năm cuối trở lại trường học khi tình hình dịch COVID-19 lắng xuống với phương án 3 xanh: "Sinh viên xanh, cung đường xanh, môi trường học tập xanh".

“Sinh viên xanh là ít nhất mỗi sinh viên được tiêm 1 mũi Vaccine. Trước khi đến trường trở lại phải được xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR. Cung đường xanh, là nhà trường sẽ hỗ trợ các em giấy đi đường, thậm chí là dùng xe của nhà trường để đưa các em đến trường. Thứ ba, nhà trường xanh, tức là môi trường học khép kín, chỗ ở giãn cách, sinh viên sẽ không ra ngoài ăn mà ăn uống tại căng tin, rồi định kỳ phải đc xét nghiệm…”, ông Cường cho biết.

Về công tác tuyển sinh, mặc dù năm 2021, hệ thống các sơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp áp lực lớn về dịch COVID-19, quy mô tuyển sinh đại học tăng… nhưng đến nay, trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 đã tuyển sinh được 1300/1800 chỉ tiêu.