Ngày 14/12, Câu lạc bộ mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương Tp. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo quốc gia “Đổi mới quản trị đại học trên cơ sở tự chủ đại học gắn liền với đảm bảo chất lượng”.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện hơn 150 cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn cả nước, với hơn 200 đại biểu tham dự trực tiếp và trên 200 đại biểu tham dự trực tuyến.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Việt Anh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Hùng Vương cho biết, ban tổ chức đã nhận được gần 70 báo cáo từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục từ các đại học, trường đại học đề cập vấn đề tự chủ đại học - gắn với trách nhiệm giải trình và đảm bảo chất lượng.

Cụ thể, các báo cáo, tham luận trình bày tại hội thảo tập trung vào đánh giá thực trạng tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay; kinh nghiệm về tự chủ đại học của các nước châu Á, châu Âu, và của Hoa Kỳ; mối quan hệ Ban giám hiệu – Hội đồng trường; thực trạng về tự chủ tài chính, tự chủ học thuật của các trường đại học; quan hệ của nhà trường, nhà khoa học với doanh nghiệp trong bối cảnh tự chủ đại học như hiện nay...

"Điều thay đổi quan trọng nhất trong tự chủ đại học từ khi Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 là định hướng các cơ sở giáo dục đại học hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Và thực sự tự chủ đại học đã như luồng gió mới, tạo động lực, thúc đẩy giáo dục đại học Việt Nam đổi mới rất mạnh mẽ, nhất là đổi mới cơ chế hoạt động và quản trị đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập", Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu quan trọng đạt được, tự chủ đại học ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, cần khẳng định, xác định rõ vai trò và vị trí của Hội đồng trường với Ban Giám hiệu. Đối với các trường công lập, Chủ tịch Hội đồng trường dễ đồng nhất với Bí thư Đảng ủy; trong khi đó với các trường ngoài công lập, Chủ tịch hội đồng quản trị mới là người giữ vai trò quyết định lớn nhất và quan trọng nhất.

Thứ hai, tự chủ càng cao thì mô hình quản trị khi có cấp quản lý trung gian ngày càng không phù hợp. Do vậy, vấn đề đặt ra, khi sửa Luật giáo dục đại học, cần cân nhắc việc các cơ sở giáo dục đại học vẫn có khái niệm các đại học, trường đại học hay chỉ là các trường đại học?

Thứ ba, cần tiến tới sự bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập. Nhà nước hoàn toàn có thể đầu tư cho các trường ngoài công lập nếu trường đó có nhóm nghiên cứu mạnh, tham gia đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực theo yêu cầu sứ mệnh quốc gia.

Các trường công lập đào tạo uy tín, chất lượng được tự chủ sẽ ngày càng có thế mạnh vượt trội so với các trường ngoài công lập và các trường chưa tự chủ trong việc thu hút nhân tài và thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

"Tự chủ đại học theo Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, nếu thực hiện tốt, đúng và đầy đủ, thực sự có thể ví như “khoán 100” với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Nếu biết tận dụng và phát huy tốt để cộng hưởng, phát huy những thế mạnh và tiềm năng, giáo dục đại học Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc trong thời gian tới", Giáo sư TSKH Nguyễn Đình Đức đánh giá.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất đề xuất 4 nội dung, chủ đề hoạt động của câu lạc bộ trong năm 2025 là: Đào tạo nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam; triển khai đào tạo STEM; Chuyển đổi số và ứng dụng AI trong giáo dục đại học; Xây dựng các tiêu chí độc lập của Câu lạc bộ, của Hiệp hội cho hoạt động kiểm định và đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục đại học cũng như các chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học ở Viêt Nam trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo AI và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.