Một số văn bản pháp luật chưa theo kịp tinh thần tự chủ đại học

Tham luận tại Hội nghị khoa học Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về giáo dục đại học, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, từ năm 2006, Đại học Bách Khoa Hà Nội xây dựng Đề án "Quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội giai đoạn 2006-2030" và được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Từ năm 2011-2020, trường thực hiện thí điểm tự chủ ĐH. Giai đoạn từ năm 2020 - nay, Trường ĐHBK Hà Nội tiếp tục thực hiện quá trình tự chủ, phát triển mô hình tổ chức thành đại học.

Quá trình Đổi mới quản trị đại học theo cơ chế tự chủ đã tạo động lực phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội. Quy mô đào tạo toàn Đại học tăng 1,5 lần trong 10 năm, chất lượng đào tạo đại học chính quy giữ vững và nâng cao.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện tự chủ gặp không ít khó khăn do thiếu đồng bộ giữa các quy định của pháp luật. Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, sự không đồng bộ của các luật gây khó khăn rất lớn cho các cơ sở giáo dục ĐH đổi mới hệ thống quản trị đại học theo cơ chế tự chủ về tổ chức, bộ máy, nhân sự và về tài chính.

Luật Giáo dục ĐH sửa đổi (Luật 34/2018/QH14) cho phép cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự. Tuy nhiên, một số văn bản quy định khác của Pháp luật còn chưa theo kịp tinh thần của tự chủ đại học và đôi khi vô tình làm giới hạn sự phát triển và quá tải bộ máy tổ chức.

Mô hình ĐH Bách Khoa Hà Nội định hướng theo các đại học tiên tiến trên thế giới, tập trung bộ máy quản trị và quản lý điều hành, hỗ trợ tập trung ở cấp Đại học, do đó bộ máy hành chính tinh gọn hơn rất nhiều nếu so với mô hình Đại học Quốc gia, Đại học Vùng. Do đó, mô hình ĐH Bách Khoa Hà Nội cần có sự tự chủ trong việc xác định số lượng vị trí lãnh đạo, quản lý linh hoạt theo từng giai đoạn phát triển và theo yêu cầu thực tiễn.

Việc tự chủ về nhân sự, nhất là tuyển dụng cán bộ khoa học là người nước ngoài còn gặp nhiều trở ngại bởi các quy định pháp luật khác có liên quan. Ngoài ra, chưa nhất quán việc phân định rõ ràng, minh bạch giữa quản lý nhà nước với cơ sở giáo dục ĐH và hệ thống quản trị, quản lý trong cơ sở giáo dục ĐH. Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Đại học cũng chưa thực sự thể hiện, phù hợp trong tất cả các văn bản pháp luật liên quan.

Cần điều chỉnh cơ chế vay vốn sinh viên

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, quản trị tài chính ĐH hiện còn thiếu bền vững. Nguồn lực hiện nay của các trường phần lớn đến từ học phí. ĐH Bách Khoa Hà Nội nhận thấy cần tăng tỉ trọng đến từ 3 nguồn: thứ nhất từ các đề tài nghiên cứu theo bộ, ngành; thứ 2 đến từ doanh nghiệp, hợp tác đối ngoại quốc tế và thứ 3 đến từ các doanh nghiệp startup của giảng viên và sinh viên.

“Đó là mô hình giúp cho học phí giảm xuống, nguồn từ các hoạt động khác như chuyển giao nghiên cứu khoa học tăng dần”.

Trao đổi về mối liên hệ giữa học phí với tuyển sinh, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho biết, ĐH Bách Khoa Hà Nội có 60 ngành đào tạo thì 27 ngành tuyển sinh khó khăn. Đây đều là những ngành phục vụ cho đất nước nhưng không hấp dẫn người học như: vật liệu, luyện kim, những ngành phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, nếu Bách Khoa Hà Nội chỉ chọn vào 33 ngành dễ tuyển thì mất đi vai trò, trách nhiệm với xã hội và công cuộc phát triển đất nước. Do vậy, nhà trường thực hiện giải pháp hợp tác chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp trong hướng nghiệp, làm rõ nhu cầu ngành nghề của các địa phương với các ngành nghề khó tuyển; Đưa ra mức học phí phù hợp, việc tăng học phí có sự khác nhau; hỗ trợ tìm kiếm nhiều học bổng trợ giúp cho các ngành “yếu thế”.

Cơ chế tự chủ và tăng học phí đại học khiến nhiều thí sinh dù rất muốn học đại học nhưng gặp khó khăn về kinh tế nên phải bỏ học. Mặt khác, số lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm hay phải chấp nhận làm trái ngành vẫn còn chiếm tỷ trọng khá cao, khiến cho nhiều thí sinh vẫn còn không ít do dự khi đứng trước lựa chọn phải quyết định học đại học hay học nghề, xuất khẩu lao động, đi làm lao động phổ thông. Đây là ý kiến của PGS.TS Bùi Thế Vinh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM.

Ông cho rằng, chính sách vay vốn tín dụng sinh viên cũng như đa dạng hóa loại hình học bổng là minh chứng cho hiệu quả của quá trình xã hội hóa giáo dục ĐH. Tuy nhiên, sinh viên tiếp cận vay vốn ở khối công lập và tự thục còn chênh. Ở trường ĐH Công nghệ TP.HCM hằng năm có khoảng 20% sinh viên có nhu cầu tiếp cận nguồn vay hỗ trợ học phí. Trong 20% sinh viên có nhu cầu vay thì có 70% sinh viên được duyệt hồ sơ vay vốn. “Trong 70% được duyệt thì cũng chỉ đáp ứng 50-70% mức học phí và các bạn vẫn phải xoay sở ở đâu đó phần còn lại bù đắp”, ông Vinh cho biết.

Ông Vinh cho rằng, cần điều chỉnh cơ chế chính sách vay vốn sinh viên và đa dạng hóa nguồn lực vay vốn. Vay vốn học tập không phải là vấn đề quá mới mẻ hiện nay, song vẫn còn hạn chế trong việc tuyên truyền, phổ biến thông tin. Mặt khác, chính sách vay vốn hiện nay còn một số nhược điểm như mức vay thấp, thủ tục khá rườm rà, lãi suất khá cao, đối tượng cho vay còn thu hẹp khiến cho nhiều sinh viên vẫn ngần ngại đăng ký dù có nhu cầu.

Hiện nay, đầu tư của nhà nước cho giáo dục ĐH còn thấp. Mục tiêu đến năm 2030, tổng kinh phí chi toàn quốc cho giáo dục ĐH tăng bình quân hàng năm gấp 2 lần mức tăng GPD, đạt tỉ trọng 1,5% GDP. Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, bên cạnh tăng đầu tư cho giáo dục ĐH thì cần có giải pháp trong vấn đề giải ngân và thực hiện quá trình giải ngân vốn đã được cấp.

Giám đốc ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, các chủ trương cho các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ hiện chưa mạnh và chưa đủ. Cần có nghị quyết riêng hoặc văn bản riêng giúp các trường ĐH tự chủ hơn, minh bạch hơn và có những văn bản pháp quy để thực hiện tốt hơn. Ngoài ra, cần đầu tư công khai, công bằng, minh bạch và đúng trọng điểm, có đo lường, đánh giá hiệu quả của các đầu tư. “Đất nước còn nghèo, một đồng vốn nhà nước bỏ ra quý báu nhưng đồng vốn đó sau khi bỏ ra cần có đo lường, đánh giá hiệu quả đầu tư rõ ràng để thực hiện thành công”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nói./.