Việc điểm chuẩn xét tuyển Đại học năm nay tăng cao đặc biệt ở một số ngành, việc cộng điểm ưu tiên chưa hợp lý, kế hoạch điều chỉnh làm giảm hạn chế bất cập trong công tác tuyển sinh năm tới là nội dung cuộc phỏng vấn của Phóng viên VOV2 với PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo.

PV: Thưa thứ trưởng ngay sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn thì nhiều thí sinh đã rất bất ngờ vì điểm khá cao mà vẫn không trúng tuyển nguyện vọng 1, theo ông thì tại sao điểm chuẩn năm nay lại có chiều hướng cao bất thường như vậy?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận là không phải điểm chuẩn của tất cả các trường đều tăng mà ở một số lĩnh vực đặc biệt là Khoa học - Xã hội - Nhân văn; Kinh tế, Du lịch thì tăng khá nhiều ở một số ngành, một số trường. Nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta thấy là năm nay số lượng thí sinh đăng ký dự thi THPT tăng rất nhiều so với năm 2020. Cụ thể năm 2020 có hơn 900.000 thí sinh còn năm nay là hơn 1 triệu thí sinh. Nhưng quan trọng hơn là số lượng đăng ký xét tuyển vào cao đẳng và đại học thì tăng rất nhiều. Năm 2020 thì số lượng là 643.000 năm nay là 795.000 tăng xấp xỉ 24% nếu tính theo con số tuyệt đối thì khoảng 150.000 thí sinh. Trong khi tổng chỉ tiêu so với năm 2020 tăng 10.000 trên tổng số 500.000 chỉ tiêu, tức là lượng chỉ tiêu không tăng nhiều, tuyệt đối chỉ là 10.000 trong khi số lượng thí sinh đăng ký đại học, cao đẳng tăng 150.000. Đây là một nguyên nhân chính dẫn đến việc điểm chuẩn của các ngành năm nay tăng. Đặc biệt chúng ta thấy các ngành kỹ thuật công nghệ điểm chuẩn tăng, các ngành khối Khoa học tự nhiên thì hầu như không tăng, có thể nói xấp xỉ tương đương năm 2020. Số lượng thí sinh dồn lại vào những ngành còn lại đặc biệt khối ngành kinh tế thì nó làm tăng hiệu ứng của việc cạnh tranh vào các ngành đó. Một điểm nữa là một số ngành số lượng tuyển sinh rất ít, dẫn đến điểm chuẩn tăng một cách bất thường. Một điểm nữa là 1 số ngành chỉ tiêu số lượng chỉ tiêu rất ít, 15 em , thậm chí có một số ngành còn có chỉ tiêu 1 em cho nữ chẳng hạn. Cộng với việc có điểm ưu tiên vùng miền dẫn đến là ngành có điểm chuẩn cao một cách bất thường như vậy.

PV: Áp lực an toàn trong công tác tuyển sinh đã khiến cho nhiều trường đại học chủ động xét tuyển bằng các phương thức khác, liệu đây có phải là nguyên nhân chính dẫn tới điểm chuẩn cho các thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tăng cao không, thưa ông?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Việc các trường áp dụng những phương thức xét tuyển khác nhau cũng nằm trong lộ trình thực hiện tự chủ đại học, nhất là trong năm 2021 này, một năm dịch bệnh nên các trường cũng muốn chủ động để thực hiện các phương thức xét tuyển khác nhau để bớt phụ thuộc dần vào kỳ thi THPT. Nhưng mà thực tế chúng ta thấy là lượng xét tuyển mà để lấy vào theo các phương thức khác như tuyển thẳng, xét tuyển học bạ thực ra thì chỉ chiếm tổng cộng 17% so với tổng chỉ tiêu thôi và số lượng tăng so với năm 2020 không nhiều.

Ở đây số lượng tăng so với 2020 là 17.000 em được xét tuyển theo phương thức này trên khoảng 90.000 em. Căn cứ theo số lượng chỉ tiêu tăng lên 10.000 mà hình thức xét tuyển này chỉ có tăng 17.000 và so với tổng số lượng các em đã đăng ký dự thi thì cái này không phải là nguyên nhân chính, nó góp phần không đáng kể vào việc này. Nhưng có thể ở một trường nào đó lại tính trên toàn quốc tác động không đáng kể, nhưng ở 1 trường nào đó người ta tiến hành bằng các phương thức xét tuyển khác thì có thể do lượng thí sinh đăng ký bình thường ít, số lượng thí sinh đã được xét tuyển trúng tuyển rồi thì ở cục bộ một số ngành, một số trường nào đó thì có thể nói có hiện tượng nó góp thêm cái việc tăng cao.

PV: Chính sách ưu tiên, cộng điểm cho thí sinh thuộc diện ưu tiên đã làm mất đi cơ hội cho các thí sinh không thuộc diện ưu tiên, Thứ trưởng nhìn nhận thế nào về vấn đề này khi mà dư luận xã hội cho rằng đây là một bất cập cần phải điều chỉnh?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Thực ra là chính sách ưu tiên đối với các đối tượng ở các vùng miền là cần thiết. Không chỉ là vấn đề ưu tiên mà chúng ta phải nhìn nhận những học sinh ở vùng sâu vùng xa, gia đình chính sách thì điều kiện học tập phổ thông có thua thiệt so với học sinh ở thành phố có điều kiện gia đình tốt, cái đấy là đảm bảo tính công bằng và không chỉ là ưu tiên. Tuy nhiên việc áp dụng cái mức cộng điểm cứng đối với các mức điểm khác nhau thì cũng có lẽ phải nghiên cứu lại. Rõ ràng ở mức điểm trung bình khá thì tác động nó không lớn, nhưng đối với ngành có sự cạnh tranh cao mà số lượng chỉ tiêu lại rất ít thì có thể việc đó dẫn đến hiện trượng là điểm rất cao nhưng các em ở thành phố không được điểm ưu tiên thì có thể bị thua thiệt.Cái này thì chúng tôi cũng đã nhìn nhận nhưng chúng tôi cũng sẽ phải xin ý kiến của các bên liên quan và cũng sẽ phải phân tích kỹ tác động đến đâu và sẽ có liệu trình điều chỉnh.

PV: Với những hạn chế và bất cập trong tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch điều chỉnh thế nào để tạo sự công bằng cho thí sinh cũng như đảm bảo chất lượng tuyển sinh cho các cơ sở Đại học Cao đẳng trong các năm tới?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Thực ra vấn đề nhìn rõ nhất năm nay, bất cập nằm ở việc thí sinh lựa chọn tập trung vào một số ngành/lĩnh vực đẩy điểm chuẩn cao lên. Nhìn góc độ tích cực, năm nay thí sinh tập trung quan tâm vào những ngành nghề mới mang tính thời thượng. Trong khi những ngành truyền thống Khoa học kỹ thuật công nghệ có những ngành tốt thì vẫn giữ được vị thế nhưng có những ngành truyền thống thật sự cần sự phát triển bền vững của đất nước thì rất ít thí sinh quan tâm. Thí sinh quan tâm ngành gì mà chi phí học tập thấp hơn cũng có thể thị trường lao động trước mắt rộng rãi. Mặc dù chỉ tiêu những lĩnh vực này thì không tăng. Và cũng mừng cho các ngành này năm nay được lựa chọn thí sinh có điểm cao, nhưng điều đáng buồn là các ngành truyền thống Kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên truyền thống thì điểm chuẩn khá thấp. Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ không chỉ ở vấn đề là câu chuyện tổ chức thi hay là xét tuyển, đây là vấn đề định hướng nghề nghiệp, rồi vấn đề phát triển thị trường lao động, cũng như chính sách của nhà nước làm sao để khuyến khích học sinh sinh viên vào những ngành này.

Vừa rồi Chính phủ ban hành Nghị định 116 về đào tạo giáo viên, chúng ta thấy sự thay đổi tích cực trong năm nay. Số lượng thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm nói chung tăng dẫn đến điểm chuẩn tăng thì đây là một việc rất đáng mừng, tất nhiên không phải tăng tất cả mọi trường nhưng có sự tăng rất đáng ghi nhận. Chúng tôi nghĩ đối với những ngành có tác động rất lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước, khoa học cơ bản những ngành kỹ thuật công nghệ truyền thống và có vai trò lớn trong dẫn dắt phát triển công nghiệp thì nhà nước cũng cần có sự quan tâm hỗ trợ dưới nhiều hình thức khác nhau như là giao nhiệm vụ hay hỗ trợ cho người học. Cái đó cũng nằm trong chủ trương chính sách của nhà nước nhưng cần phải cụ thể hóa trong thời gian tới. Bên cạnh đó ta cũng phải nhìn nhận từ góc độ thị trường. Thực sự người học ngày càng có nhiều thông tin và người ta sẽ lựa chọn ngành nghề học nào với chi phí thấp nhưng mà với cái việc làm ra có thể thuận tiện trong việc làm. Các trường đại học cũng phải có chiến lược, định hướng để trong việc đổi mới chương trình, có thể giữ ngành học nhưng có thể đối mới chương trình và cách tiếp cận để làm sao đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Và khi đáp ứng tốt nhu cầu xã hội thì cũng sẽ từng bước đáp ứng được nhu cầu của người học khi đó người học sẽ lựa chọn những ngành này. Còn nếu những ngành cũ truyền thống mà vẫn giữ nguyên cách thức tổ chức vận hành chương trình thì chắc chắc càng ngày càng sẽ khó thu hút, hấp dẫn thí sinh.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông để làm rõ định hướng nghề nghiệp đối với các ngành nghề đó thì các trường cũng cần phải tăng cường quảng bá và không chỉ là quảng bá theo cách thông thường. Cần phải cho học sinh hiểu rõ tầm quan trọng của ngành nghề đó trong phát triển kinh tế xã hội và cũng như rõ hơn về bản chất thực hành nghề nghiệp của các ngành này thế nào. Chứ hiện nay nhiều em học sinh cũng chưa rõ về việc này, cứ nghĩ là muốn làm giàu thì học kinh tế, thực sự thì các ngành đều đóng góp phát triển kinh tế chứ không phải chỉ có học kinh tế thì mới làm được kinh tế. Đấy là những quan niệm rất đơn giản của nhiều em học sinh. Nhưng rõ ràng các trường cần phải làm rõ hơn những cái này, giới thiệu một cách thực chất hơn để mang tới các em học sinh ngồi trên ghế nhà trường, cũng như trách nhiệm của các trường phổ thông phải vào cuộc để các em nắm rõ hơn thực tế ngành nghề các em lựa chọn.

PV : Xin cảm ơn Thứ trưởng !