Năm học 2022-2023, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm Y tế Học sinh sinh viên (BHYT HSSV) của TP. Hà Nội đạt 98,8% tổng số học sinh sinh viên, với hơn 2,2 triệu học sinh sinh viên tham gia BHYT.

Số lượng học sinh, sinh viên chiếm trên 25% dân số thành phố Hà Nội. Vì vậy, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT cao nhất ở nhóm học sinh, sinh viên cũng là biện pháp để tác động tích cực, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân trên địa bàn thành phố.

Để nắm rõ hơn chính sách BHYT HSSV cũng như những giải pháp tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong nhóm đối tượng quan trọng này, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc BHXH quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) và TS. Đinh Thị Kim Thương, Phó Trưởng phòng Quản lý KHCN - Hợp tác phát triển (Trường ĐH Thủ đô Hà Nội) có cuộc trao đổi với P/V VOV2 trong chương trình Diễn đàn VOV2.

Học sinh, sinh viên không thuộc diện tham gia BHYT hộ gia đình

-P/V: Thưa bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, trong năm học 2022-2023, tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV của TP. Hà Nội đạt 98,8% tổng số Học sinh sinh viên, với hơn 2,2 triệu HSSV tham gia BHYT. Đối với quận Cầu Giấy, trong thời gian qua việc triển khai thu và giải quyết chính sách BHYT HSSV đã góp phần quan trọng ra sao trong việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên?

-Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Theo số liệu quản lý của chúng tôi, tỷ lệ học sinh sinh viên năm học 2022 – 2023 tham gia BHYT tại các cơ sở giáo dục tham gia BHYT trên địa bàn quận Cầu Giấy đạt trên 98 %. Điều đó đồng nghĩa với việc có trên 170 ngàn học sinh sinh viên được đảm bảo và thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi BHYT theo quy định, trong đó, nếu không may ốm đau, bệnh tật các em sẽ được quỹ BHYT thanh toán số tiền khám chữa bệnh không giới hạn theo phạm vi.

Việc tham gia BHYT giúp các HSSV hạn chế được rủi ro, giảm bớt gánh nặng kinh tế của bản thân gia đình khi chẳng may gặp phải tai nạn, các bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn phải điều trị dài ngày.

Đồng thời qua việc triển khai chính sách đã giúp HSSV thuận lợi cho việc chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường học thông qua Hệ thống y tế trường học từng bước được cũng cố, đổi mới.

-P/V: Thưa TS. Đinh Thị Kim Thương, đối với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, tỉ lệ sinh viên tham gia BHYT hiện nay như thế nào? Trường có gặp nhiều khó khăn khi triển khai chính sách này không?

-TS. Đinh Thị Kim Thương: Trong những năm qua, việc triển khai công tác BHYT HSSV đã có nhiều kết quả tích cực. Hàng năm, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có tỷ lệ tham gia BHYT rất cao. Năm học 2022-2023 Nhà trường có 6048 sinh viên có thẻ BHYT, đạt gần 100%.

Luật BHYT quy định, BHYT HSSV là hình thức bắt buộc. Tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp chế tài xử lý cụ thể đối với nhóm HSSV khi không tham gia BHYT. Do đó, các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc HSSV phải tham gia BHYT, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương.

Điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của nhiều hộ gia đình có con em là HSSV còn khó khăn, không có tiền mua BHYT. Đó là một trong những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện BHYT đối với HSSV hiện nay.

Để đạt được tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT gần 100%, hàng năm, nhà trường tổ chức tuần giáo dục công dân cho sinh viên vào đầu và cuối mỗi năm học, nội dung tuyên truyền về tham gia bảo hiểm y tế được đưa vào nội dung sinh hoạt nên nhận thức của sinh viên về việc tham gia bảo hiểm y tế tốt. Đồng hành cùng sinh viên có các cố vấn học tập, cố vấn đồng đẳng tư vấn hỗ trợ, việc nộp kinh phí BHYT trực tuyến nên khá thuận lợi cho sinh viên.

-P/V: Thực tế, trong quá trình triển khai chính sách, BHYT HSSV thực sự là điểm tựa cho sinh viên của trường ra sao nếu không may bị ốm đau, bệnh tật?

-TS. Đinh Thị Kim Thương: BHYT rất quan trọng đối với cộng đồng, đặc biệt là học sinh sinh viên khi phải sống tự lập, xa gia đình. Khi ốm đau, bệnh tật có BHYT là một sự trợ giúp rất lớn để các em vượt qua khó khăn. Có quan điểm cho rằng là sinh viên còn trẻ, sức khỏe tốt, ít bệnh tật, vì vậy việc mua bảo hiểm y tế là không cần thiết.

Tuy nhiên thực tế cho thấy những vấn đề rủi ro về sức khỏe chúng ta không biết trước được và có thể đến với bất kì ai, bất kì lứa tuổi nào. Ví dụ như trong khoảng thời gian dịch Covid-19, nhiều sinh viên đã giảm bớt gánh nặng tài chính khi điều trị bệnh. Có thể thấy lợi ích khi có bảo hiểm để được đảm bảo về sức khỏe là rất lớn và rất rõ.

- P/V: Thưa bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, từ 1/7/2023, lương cơ sở tăng từ 1 triệu 490 nghìn đồng lên 1 triệu 800 nghìn đồng. Với việc điều chỉnh lương cơ sở thì mức phí tham gia BHYT HSSV ra sao, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Theo quy định tại Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành, số tiền đóng BHYT học sinh sinh viên = Mức lương cơ sở (tại thời điểm đóng tiền hiện nay là 1,8 triệu) x 4,5% x Số tháng tham gia. Trong đó: HSSV đóng 70%; Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%.

Phương thức thu tiền đóng BHYT linh hoạt: 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng và chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng.

-P/V: Đối với những học sinh thuộc hộ nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; con của đối tượng công an, bộ đội đang phục vụ tại ngũ… việc thu phí tham gia BHYT như thế nào, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Theo quy định tại Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành, học sinh thuộc hộ nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; con của đối tượng công an, bộ đội đang phục vụ tại ngũ được ngân sách đóng 100%. Người tham gia không phải đóng tiền.

-P/V: Gia đình càng nhiều người tham gia đóng BHYT thì sẽ càng được giảm trừ. Vậy trong một gia đình có 5 người, 3 người trưởng thành và 2 học sinh. Nếu đóng theo hộ gia đình sẽ được giảm trừ nhiều hơn hay đóng theo mức ở trường học các con chi phí thấp hơn. Cụ thể mức đóng phí BHYT như thế nào?

- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Theo quy định Luật BHYT thì đối tượng học sinh sinh viên là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, không phải là đối tượng tự nguyện.

+ HSSV thuộc nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ (Nhóm 4) đứng trước Hộ gia đình (Nhóm 5).

+ Căn cứ quy định của pháp luật về BHYT khi thuộc đối tượng tham gia BHYT ở nhóm trước đó thì không được tham gia BHYT ở nhóm sau. Do đó, khi thuộc đối tượng tham gia BHYT HSSV thì không được tham gia BHYT nhóm Hộ gia đình.

Mặt khác, chỉ những người tham gia BHYT thuộc hộ gia đình (trừ những người tham gia BHYT khác) mới được giảm trừ mức đóng theo quy định,

Theo trường hợp nêu trên, gia đình có 3 người trưởng thành nếu:

+ 03 người trên thuộc đối tượng tham gia BHYT HGĐ, thì người thứ nhất đóng 100% mức đóng, người thứ 2 giảm 30% mức đóng, người thứ 3 giảm 40% mức đóng.

+ 03 người trên thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc khác thì không được tham gia BHYT Hộ gia đình.

Như vậy, 02 HSSV sẽ tham gia BHYT HSSV tại các cơ sở giáo dục. Học sinh sinh viên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí mua thẻ BHYT và chỉ đóng 70% số tiền còn lại tương đương với phương thức đóng mà phụ huynh đăng ký.

-P/V: Cụ thể, nếu gia đình chọn mua BHYT theo hộ khẩu thì khi con đi học có phải mua BHYT theo nhà trường hay không?

-Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Như trên tôi đã nêu, theo quy định Luật BHYT thì đối tượng học sinh sinh viên là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, không phải là đối tượng tự nguyện. HSSV thuộc nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ (Nhóm 4) đứng trước Hộ gia đình (Nhóm 5)

Căn cứ quy định của pháp luật về BHYT khi thuộc đối tượng tham gia BHYT ở nhóm trước đó thì không được tham gia BHYT ở nhóm sau. Do đó, khi thuộc đối tượng tham gia BHYT HSSV thì không được tham gia BHYT nhóm Hộ gia đình.

Trường hợp HSSV đã mua thẻ BHYT hộ gia đình thì liên hệ với các tổ chức dịch vụ hoặc cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để được hoàn trả lại tiền BHYT hộ gia đình trùng với thời gian mua thẻ BHYT học sinh sinh viên.

Bấm nghe chương trình:

Học sinh, sinh viên được hưởng nhiều quyền lợi khi tham gia BHYT

-P/V: Thưa TS. Đinh Thị Kim Thương, mức phí tham gia BHYT học sinh, sinh viên theo quy định mới là 680.400 đồng/năm. Mặc dù đây không phải là mức phí cao so với quyền lợi được hưởng nếu chẳng may bị ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên đối với nhiều sinh viên có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn thì đó cũng là khoản tiền đáng kể trong năm học, nhất là khoảng đầu năm học. Vậy, đối với những sinh viên có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng không nằm trong diện được nhà nước cấp BHYT, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có chính sách hỗ trợ gì hay không để giảm gánh nặng đóng BHYT?

-TS. Đinh Thị Kim Thương: Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có rất nhiều chính sách quan tâm hỗ trợ người học về cả thể chất, tinh thần, học tập, nghiên cứu, hoạt động xã hội và cộng đồng. Nhà trường triển khai rất nhiều chính sách hỗ trợ người học hàng năm như các chính sách hỗ trợ học tập theo quy định của Chính phủ (có hỗ trợ cho đối tượng sinh viên vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo..), học bổng khuyến khích học tập, miễn giảm học phí theo Nghị định 116, học bổng tài trợ của các tổ chức bên ngoài trường (trong đó có học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn). Những khoản học bổng này góp phần giảm bớt khó khăn cho sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên có nguồn tài chính để tham gia BHYT, giảm thiểu nguy cơ rủi ro về sức khỏe trong quá trình học tập.

-P/V: Liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV, theo quy định, quỹ BHYT HSSV sẽ trích lại một phần để các trường học thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên. Vậy, Trường Đại học Thủ đô đã sử dụng nguồn quỹ trích lại cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho sinh viên ra sao?

-TS. Đinh Thị Kim Thương: Như đã đề cập, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có rất nhiều chính sách quan tâm chăm sóc người học về cả thể chất và tinh thần. Hàng năm, Nhà trường tổ chức khám sức khỏe cho sinh viên toàn trường vào đầu năm học, tổ chức các chuyên đề tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe, chăm sóc bản thân và phòng tránh các bệnh tật theo mùa, bệnh trong giới trẻ, sức khỏe sinh sản… Nhà trường có Trạm Y tế thường trực tiếp nhận tư vấn sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu khi sinh viên có nhu cầu. Hiện trường có 4 cơ sở, các cơ sở đều được bố trí cán bộ y tế trực và hỗ trợ sinh viên. Việc phòng dịch cũng được triển khai thường xuyên,.

Hơn hết, Trường còn quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên. Đặc biệt sau dịch bệnh Covid, sinh viên chuyển từ học trực tuyến sang trực tiếp, có nhiều vấn đề tâm lý khiến sinh viên không được tập trung, sao nhãng việc học. Trường có Trung tâm tham vấn học đường, kết hợp với Trạm Y tế tư vấn cho sinh viên của các khoa.

-P/V: Thưa bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, đối với quận Cầu Giấy (Hà Nội) nơi tập trung rất đông các cơ sở giáo dục phổ thông, đại học, cao đẳng, trong thời gian tới cơ quan BHXH quận tiếp tục thực hiện các giải pháp gì để nâng cao tỉ lệ bao phủ BHYT học sinh, sinh viên?

-Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Cầu Giấy là khu vực có số lượng trường học công lập và ngoài công lập nhiều nhất Thủ đô. Bên cạnh đó còn tập trung rất nhiều trường cao đẳng, đại học.

Để nâng cao tỉ lệ bao phủ BHYT học sinh, sinh viên ngay những ngày đầu tháng 8 vừa qua UBNQ quận gửi văn bản đôn đốc nhắc nhở đến các cơ sở giáo dục có tỉ lệ HSSV tham gia BHYT dưới 100% đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo gửi đến các phòng, ngành, UBND các phường và các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận triển khai công tác BHYT HSSV năm học 2023-2024.

BHXH quận ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục về thủ tục, hồ sơ, mức đóng BHYT, in, cấp, gia hạn thẻ BHYT cho HSSV năm học 2023-2024.

Trong thời gian tới, BHXH quận tiếp tục phối hợp với các phòng, ngành, UBND các phường và các cơ sở giáo dục tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHYT HSSV, quyền và lợi ích khi đi khám chữa bệnh BHYT; Phối hợp với Trung tâm Y tế quận và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT theo quy định.

Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận chỉ đạo các trường tiểu học và THCS trên địa bàn tích cực triển khai thực hiện tốt công tác BHYT học sinh theo quy định của Luật BHYT.

Chỉ đạo Hiệu trưởng các trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện BHYT học sinh theo Luật BHYT phải đảm bảo đạt 100% học sinh tham gia.

Đưa chỉ tiêu tỉ lệ tham gia BHYT học sinh là một tiêu chí đánh giá chất lượng, bình xét thi đua, khen thưởng đối với tập thể, người đứng đầu Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trực thuộc.

Đối với Uỷ ban nhân dân các phường, ngoài việc tuyên truyền UBND các phường vận động các nguồn xã hội hóa, nguồn tài trợ hợp pháp khác để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho học sinh trên địa bàn, nhất là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn không thuộc diện được ngân sách nhà nước cấp thẻ BHYT.

-P/V: Hiện nay, BHXH Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số, HSSV có thể gia hạn, cấp thẻ, động quản lý các thông tin, giám sát quyền lợi tham gia BHYT của bản thân mình như thế nào?

-Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Ngành BHXH đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc gia hạn, cấp thẻ BHYT HSSV, trọng tâm là giao dịch hồ sơ điện tử, hướng dẫn bổ sung số ĐDCN/CCCD của người tham gia trong cơ sở dữ liệu của ngành BHXH.

Hiện nay ứng dụng VssID không còn xa lạ với người dân Việt nam chúng ta đặc biệt là với người tham gia BHXH, BHYT. Ứng dụng BHXH số - VssiD tạo điều kiện cho người tham gia BHXH, BHYT tiếp cận thông tin, thực hiện các dịch vụ công một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng nhất, từng bước thực hiện việc thay thế Sổ BHXH, Thẻ BHYT giấy như hiện nay.

Khi cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID, HSSV có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để khám chữa bệnh, sử dụng ứng dụng để nắm bắt thông tin và giám sát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT, người giám hộ (cha, mẹ học sinh) có thể cài đặt ứng dụng cho học sinh dưới 14 tuổi chưa được cấp căn cước công dân…

Ứng dụng BHXH số - VssID đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí của nhà trường trong việc kê khai, nộp hồ sơ gia hạn, cấp thẻ BHYT HSSV cũng như hỗ trợ HSSV chủ động quản lý các thông tin, giám sát quyền lợi tham gia BHYT của bản thân.

-P/V: Trân trọng cảm ơn!