Tổ chức Khan Academy (trụ sở tại Silicon Valley, Hoa Kỳ) vừa công bố, năm 2024 Việt Nam chính thức vươn lên vị trí thứ hai về số lượng người dùng trên nền tảng học trực tuyến miễn phí này, chỉ đứng sau Brazil và tăng một bậc so với năm 2023.
Năm 2024 đánh dấu nỗ lực chuyển đổi số mạnh mẽ và đồng bộ của toàn ngành giáo dục khi các công cụ và hệ thống trực tuyến đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình dạy và học. Trong đó, việc ứng dụng hệ thống quản lý nội dung học tập tích hợp LCMS (Learning Content Management System) là một tiêu chí bắt buộc trong Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của Bộ GD-ĐT.
![Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai về số lượng người dùng nền tảng học trực tuyến](/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/t%E1%BA%A3i%20xu%E1%BB%91ng%20%281%29.jpg)
Việc Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng toàn cầu về sử dụng nền tảng học tập trực tuyến là dấu mốc không chỉ cho thấy sự sự chủ động tiếp cận công nghệ của các cơ quan quản lý, giáo viên và học sinh, mà còn thể hiện bước tiến lớn của Việt Nam trong chiến lược chuyển đổi số giáo dục.
"Khi chính phủ, các tổ chức giáo dục và cộng đồng chung tay thúc đẩy ứng dụng công nghệ, Việt Nam đang khẳng định vị thế là một trong những quốc gia tiên phong trong giáo dục số, mở ra những cơ hội học tập công bằng và hiệu quả hơn cho thế hệ tương lai", Khan Academy đánh giá.
Tại Việt Nam, Khan Academy Vietnam (KAV) là một chương trình giáo dục phi lợi nhuận do tổ chức The Vietnam Foundation (VNF) triển khai. Bên cạnh việc dịch thuật và Việt hóa các khóa học Toán, Lập trình, Xác suất thống kê… phù hợp với học sinh, KAV còn tổ chức các buổi tập huấn giáo viên để giúp giáo viên có thể tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Tính đến nay, đã có 25.000 giáo viên tại hơn 5.300 trường học trên nhiều địa phương được tập huấn và sử dụng hiệu quả Khan Academy vào công tác giảng dạy./.