Khi hoài nghi bản thân ảnh hưởng đến cuộc sống

Ở tuổi đôi mươi, mỗi người trẻ đều mang trong mình những ước mơ, những khát khao. Thế nhưng, cùng với đó là những phút giây chênh vênh, hoài nghi chính bản thân mình.

Mai Hoa, một cô gái ở Hà Nội tự nhận là một người hướng nội, có ít bạn bè và hoài nghi chính tính cách của mình đã khiến cho các mối quan hệ dần trở nên xa cách. “Nếu có thể quay lại, mình sẽ thể hiện bản thân tốt hơn, để người khác không hiểu sai ý.”- Mai Hoa chia sẻ.

Trúc Mai quê ở Hải Dương từng thất vọng vì một dự án không thành công. Em đã dành rất nhiều tâm huyết, thời gian và tiền bạc, nhưng kết quả lại không như mong đợi. Tuy nhiên, thay vì sống mãi trong cảm giác hoài nghi về năng lực của bản thân mình, Trúc Mai đã chọn cách đối diện và tìm lối đi mới.

Nhưng không phải bạn trẻ nào cũng đủ mạnh mẽ như vậy. Trúc Mai chia sẻ câu chuyện của một người bạn. Sau nhiều thất bại, bạn trẻ đó luôn có cảm giác bất an và không dám đưa ra quyết định, dẫn đến việc thiếu tự tin và phụ thuộc vào người khác.

Giữa những áp lực và lo lắng, cảm giác hoài nghi bản thân vẫn lặng lẽ len vào suy nghĩ của nhiều bạn trẻ, khiến họ nhiều lúc ngập ngừng, đắn đo trước những lựa chọn trong cuộc sống.

Hoài nghi bản thân và những ảnh hưởng tiêu cực

Theo TS. Trần Thu Hương, Trưởng Bộ môn Tâm lý học xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc luôn hoài nghi bản thân có thể dẫn đến những tiêu cực kéo dài, khiến người trẻ không dám thử thách chính mình. Điều này không chỉ làm giảm sự tự tin mà còn dễ dàng tạo ra áp lực, căng thẳng và có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm lý như trầm cảm.

Chuyên gia cũng lưu ý rằng việc từ chối nhận những nhiệm vụ khó khăn chỉ vì lo sợ thất bại sẽ làm chậm lại quá trình phát triển bản thân. Mỗi khi các bạn trẻ cảm thấy không đủ khả năng để hoàn thành một nhiệm vụ, việc đó sẽ trở thành một cái vòng lặp, ngăn cản sự trưởng thành của họ.

Làm gì để vượt qua cảm giác hoài nghi bản thân?

Theo TS. Thu Hương, để vượt qua cảm giác hoài nghi bản thân, điều quan trọng là phải biết cách nhìn nhận và đánh giá chính mình một cách khách quan. Chuyên gia khuyến khích giới trẻ nên chấp nhận rằng “nhân vô thập toàn”, không ai là hoàn hảo và thất bại là một phần của quá trình học hỏi và trưởng thành. Mỗi trải nghiệm, dù thành công hay thất bại, đều giúp chúng ta nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.

Sự tự tin chỉ đến khi bạn dám thử thách bản thân, dám đối diện với khó khăn và thất bại. Đặc biệt, khi bạn không ngừng nỗ lực và cải thiện bản thân qua mỗi lần thử thách, bạn sẽ xây dựng được niềm tin vững vàng vào chính mình.

Khi hoài nghi bản thân không hoàn toàn là điều tiêu cực

TS. Thu Hương cũng đưa ra một góc nhìn tích cực về sự hoài nghi bản thân. Khi một người cảm thấy chưa đủ tốt, đó có thể là dấu hiệu của sự khiêm tốn. Sự khiêm tốn này có thể giúp họ nhận thức được những yếu điểm của mình và tìm cách cải thiện. Thay vì nhìn nhận hoài nghi là một điều tiêu cực và chìm đắm trong chán nản, các bạn trẻ nên coi đó là một cơ hội để phát triển và hoàn thiện bản thân.

Hoài nghi bản thân là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống, nhưng điều quan trọng là chúng ta không để cảm giác này chi phối cuộc sống và ngăn cản sự phát triển cá nhân. Bằng cách chấp nhận sự thiếu tự tin, dám đối diện với thử thách và liên tục cải thiện bản thân, mỗi bạn trẻ sẽ có cơ hội trưởng thành và đạt được những thành công xứng đáng.

Vượt qua cảm giác hoài nghi bản thân không phải là xóa bỏ hoàn toàn những lúc yếu lòng, mà là biết cách chấp nhận, lắng nghe và điều chỉnh chính mình, để mỗi ngày trôi qua, chúng ta trưởng thành hơn./.