Mới đây trên mạng xã hội xôn xao bàn luận về đề thi học sinh năng khiếu môn Ngữ văn lớp 7 của huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) năm học 2022-2023. Theo đó với thời gian làm bài 120 phút, thí sinh phải hoàn thành hai câu hỏi:
Câu 1 ( 8 điểm): Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ có câu: “Người độ lượng bao giờ cũng thấy mình giàu có”. Trình bày suy nghĩ của em về câu ngạn ngữ trên.
Câu 2 (12 điểm): Bàn về thơ, Đuy-blây có viết: “Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim”. Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng một tác phẩm thơ em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.”
Với cấu trúc đề thi này, nhiều người đã bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội như: "Học sinh lớp 7, các cháu mới 13 tuổi. Sự cảm nhận và độ từng trải chưa đủ để có thể làm đề thi này. Đề thi thừa hàn lâm và thiếu nhân văn"; "Các em phải học kiến thức lý luận văn học, phải học tủ nhiều bài để đáp ứng yêu cầu làm sáng tỏ một nhận định, một ý kiến bàn về văn thơ"; Nếu vẫn duy trì cách ra đề: dẫn một câu lí luận (thơ, truyện) và bằng trải nghiệm văn học của bản thân để làm sáng tỏ… thì vẫn còn hiện tượng học văn mẫu, học tủ"...
Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, với nội dung, yêu cầu của đề thi này học sinh giỏi lớp 12 cũng khó lòng làm được.
Trao đổi với VOV2, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn, Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn - Bộ Cánh Diều đặt câu hỏi: "Không hiểu vì sao người ra đề lại có thể ra đề cho học sinh lớp 7 với nội dung và yêu cầu như thế dù là để chọn học giỏi?"
Ông Thống cho biết, cấu trúc, mô hình, nội dung và yêu cầu của đề thi này giống đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia, môn Ngữ văn dành cho học sinh lớp 12 hàng chục năm qua.
"Chưa bàn đến những câu chữ lặp lại, chỉ riêng yêu cầu của đề đã không đúng. Cụ thể, để làm sáng tỏ câu “Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim” thì lấy một tác phẩm thơ làm sao làm sáng tỏ được? Vì “những trái tim” là chỉ rất nhiều nhà thơ; và như thế phải lấy rất nhiều bài thơ của nhiều tác giả khác nhau thì mới chứng minh được", PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nêu quan điểm.
Căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông, ông Thống khẳng định với học sinh lớp 7, học theo chương trình, sách giáo khoa cũ hay mới cũng không thể làm được đề ngữ văn này.
Ông phân tích, học sinh giỏi dù có trình độ cao hơn học sinh bình thường thì vẫn là học sinh phổ thông, các em vẫn phải có những kỹ năng cơ bản mà môn học trang bị. Với học sinh lớp 7, môn Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ yêu cầu các em đọc hiểu, viết và nói nghe những mức độ rất vừa phải.
Về đọc hiểu, học sinh phải đọc hiểu các văn bản: tục ngữ, truyện ngụ ngôn, truyện khoa học viễn tưởng, truyện nói chung, thơ trữ tình, tùy bút, tản văn.
Về viết, học sinh phải đạt được yêu cầu: “biết viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử; viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc một bài thơ bốn, năm chữ; bước đầu biết viết bài nghị luận về một vấn đề trong đời sống và bài phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học; bước đầu biết viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong trò chơi hay hoạt động; viết được văn bản tường trình rõ ràng, đầy đủ, đúng quy cách”.
"Như vậy đề ngữ văn này đã vượt ra toàn bộ các yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dù có ra đề cho học sinh giỏi thì vẫn phải căn cứ vào các yêu cầu nêu trên của chương trình để đề xuất cho phù hợp", ông Thống nói.
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, một đề thi Ngữ văn hay trước hết phải đúng, không sai sót về mặt nội dung; Thứ hai, đề thi có cách nêu vấn đề mới mẻ, tạo khoảng trống để kích thích sự sáng tạo của học sinh. Không ép học sinh phải đi minh chứng một nhận định, quan điểm nào.
"Chúng ta đang cần học sinh chia sẻ khả năng cảm thụ văn học, đưa ra được quan điểm riêng về một vấn đề nào đó của đời sống thì tại sao cứ phải bắt các em phải đi minh chứng một nhận định đã có sẵn rồi?", ông Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.
Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn cũng cảnh báo xu hướng ra đề thi Ngữ văn khó, "khác người" bởi bất kỳ một đề thi Ngữ văn nào trước hết phải phù hợp với đối tượng, phù hợp với nội dung chương trình. Không phải cứ ra đề thi khó, "khác người" thì được xem là đổi mới, sáng tạo.