Hiện Việt Nam có khoảng 14 triệu người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động, trong đó, số lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo và có bằng cấp, chứng chỉ mới chỉ đạt gần 10%. Ngoài ra nước ta cũng có khoảng 8 triệu người khuyết tật, trong đó có trên 2 triệu người có khả năng lao động và có nhu cầu được đào tạo. TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh, bên cạnh tập trung phát triển lực lượng lao động có trình độ cao thì Việt Nam hiện cũng đang chú trọng phát triển kỹ năng, tay nghề cho nhóm lao động yếu thế. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình trợ giúp cho người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, trong đó có nhấn mạnh đến đào tạo nghề, tạo sinh kế cho người khuyết tật.

Từ năm 2013 đến nay đã có 10 dự án hợp tác giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm. Việc Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) hợp tác trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) sẽ góp phần thực hiện một trong những nhiệm vụ được ưu tiên là phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cấp kỹ năng nghề nghiệp suốt đời của người lao động.

Ông Cho Han-Deog, Giám đốc Quốc gia Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA)

Theo biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), hai bên sẽ thiết kế một dự án giáo dục nghề nghiệp cho nhóm người yếu thế. Đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách, đối tượng dễ bị tổn thương...

Ông Cho Han-Deog, Giám đốc Quốc gia Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) khẳng định, những đối tượng yếu thế có những khiếm khuyết về thể chất, trí tuệ, điều kiện kinh tế khó khăn nên khó tiếp cận được với giáo dục và đào tạo do vậy dễ bị tụt hậu so với xã hội. Hy vọng rằng, sự hợp tác giữa KOICA với Tổng cục giáo dục nghề nghiệp sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho đối tượng đặc biệt này, nhất là cơ hội tiếp cận với giáo dục, nghề nghiệp, việc làm...

Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc

Đến nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã hợp tác với nhiều Tổ chức Quốc tế, các Doanh nghiệp đa quốc gia... trong lĩnh vực đào tạo nghề, việc làm. Sự mở rộng hợp tác này không chỉ nâng tầm chất lượng lao động mà còn tạo ra cơ hội học nghề, việc làm cho mọi người.