Cựu chiến binh Vũ Văn Đảo (xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) năm nay đã 75 tuổi. Dẫu vậy, trí nhớ của ông vẫn rất tốt. Mỗi khi ai đó nhắc đến 2 từ "kháng chiến", ông lại rưng rưng nhớ về những người đồng chí của mình, nhất là những đồng đội hiện vẫn còn nằm lại nơi chiến trường xưa.

Ông Đảo cho biết, năm 1972, nghe theo tiếng gọi của Đảng, ông cầm súng, lên đường thực hiện nghĩa vụ cao cả là bảo vệ Tổ quốc với vị trí chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên-Huế. Thời điểm đó, ông là Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, thuộc mặt trận B5. Trong thời gian chiến đấu, ông đã cùng đồng đội dùng súng trung liên lắp đạn lửa, bắn rơi một máy bay trực thăng của địch. Trong một trận đánh địch phản kích ngày 11/7/1974, tại Cao điểm 61, ông đã bấm ngòi nổ 2 quả mìn DH07. Đây là trận đánh khiến ông đã bị thương và được đồng đội hỗ trợ để trở về đơn vị an toàn.

Năm 1975, sau khi miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, ông chuyển ngành, công tác tại viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây cũ, rồi Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Thanh Oai. Nghỉ hưu năm 2010, từ tình cảm sâu nặng với những người đã ngã xuống, đặc biệt là các đồng đội đã trợ giúp ông trở về lúc bị thương, ông quyết định đi tìm phần mộ của 6 liệt sỹ đã hy sinh trong một trận đánh mà chính tay ông và một số đồng đội làm công tác tử sĩ. “Lúc đó, tôi là Trung đội trưởng nên trực tiếp tham gia việc chôn cất những đồng chí đã anh dũng hy sinh”, ông Đảo nhớ lại.

Sau một thời gian nghiên cứu, ông liên hệ với gia đình Liệt sĩ Lê Đình Duyệt, ở xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An và Đội quy tập 192, Ban Chính trị, Tỉnh Đội Thừa Thiên Huế, để tìm kiếm 6 Hài cốt Liệt sĩ hy sinh 16/12/1972. “Những đồng chí còn nằm lại ở nơi rừng sâu núi thẳm. Mình là nhân chứng trực tiếp mai máng nên việc tôi đi tìm mộ không chỉ là việc làm về văn hóa tâm linh mà còn vì tình đồng chí, sự tri ân với các anh hùng liệt sỹ”, ông Đảo tâm sự.

Ông Đảo cho biết, thời gian không thể xóa nhòa ký ức, song đã làm cho không gian, cảnh quan của chiến trường năm xưa thay đổi rất nhiều, khiến cho công cuộc tìm kiếm hết sức gian nan. Không chỉ vượt qua những trở ngại của địa hình rừng hoang, núi cao hiểm trở, có những khi, ông và đồng đội còn phải tranh thủ giữa lúc trưa hè nắng nóng để phát cây, lội suối lần tìm tọa độ, xác định vị trí đồng đội yên nghỉ.

Có những lúc tưởng chừng không thể vượt qua những trở ngại về điều kiện địa hình, thời tiết nhưng tình cảm sâu nặng, lòng biết ơn sâu sắc với các liệt sỹ, ông và những người đồng đội đã tìm được các hài cốt các anh hùng trong trận đánh năm xưa. “Trong rừng, có những đoạn dốc, chúng tôi phải hỗ trợ nhau mới băng qua được. Để đến kịp tọa độ - nơi xác định bạn mình yên nghỉ, giữa trưa hè nắng, nóng hơn 40 độ C, chúng tôi cũng không dừng lại nghỉ chân”, ông Đảo cho biết.

Ở tuổi “thất thập”, sức khỏe giảm sút, song ông Đảo vẫn miệt mài với công cuộc tìm kiếm hài cốt các anh hùng, liệt sỹ. Và để nâng cao hiệu quả việc tìm kiếm, ông còn tham gia vào Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 khu vực Nam Sông Hồng, Thành phố Hà Nội. Theo ông Trần Thế Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội, đó là nghĩa cử rất đáng trân trọng.

Tìm kiếm và đưa đồng đội đã hy sinh còn nằm lại nơi chiến trường xưa về an nghỉ tại quê nhà là nỗi niềm mà cựu chiến binh Vũ Văn Đảo, ở xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội luôn đau đáu. Cũng vì thế nên mỗi khi có được thông tin và đưa được đồng đội về đất mẹ là niềm vui bất tận với ông. Ông đã tự hứa với lòng mình, chừng nào còn sức khỏe và điều kiện cho phép, ông sẽ vẫn tiếp tục hành trình tìm kiếm hài cốt các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của tổ của quốc mà vẫn còn nằm lại đâu đó nơi chiến trường xưa.

Nghe bài viết dưới đây: