Hà Lan có công viên tái chế được làm bằng nhựa:

Năm 2018, Quỹ Recycled Island Foundation và 25 đối tác liên quan đã cho ra mắt công viên nổi trên mặt nước sau 5 năm nghiên cứu và gây quỹ. Công viên tái chế được làm hoàn toàn bằng nhựa và rác thải trôi nổi trên sông. Số nhựa tái chế được tạo hình thành ô tròn lục giác để tái hiện khung cảnh sông Maas ở Rotterdam trước khi dòng sông này bị con người làm thay đổi cảnh vật.

Những nền nổi này được thiết kế để giảm sự ô nhiễm từ rác thải nhựa. Đồng thời, chúng được tạo ra để làm môi trường sống cho các sinh vật. Thực vật phát triển đồng thời cả trên và dưới bề mặt sông, cung cấp nguồn thứ ăn duy trì sinh vật biển và khuyến khích cá đẻ trứng bên dưới mặt nước.

Công ty xây dựng VolkerWessels tiến hành tạo nên con đường thân thiện với môi trường với chất liệu nhựa tái chế. Đây được xem là biện pháp hạn chế lượng khí CO2 thải ra môi trường bên ngoài. Con đường trải nhựa tái chế được nhiều chuyên gia đánh giá mang lại tính năng ưu việt hơn, rút ngắn thời gian xây dựng và bảo trì. Ngoài ra, các ống dẫn và dây cáp được bố trí dưới mặt đường dễ dàng hơn, thuận tiện cho việc thoát nước và xử lý việc tắc nghẽn ống dẫn nước.

Mô hình MR6 tại Cumbira (Anh)

Tại Anh, kỹ sư McCartney đã phối hợp cùng các chuyên gia ở Scotland nghiên cứu và tái chế nhựa thành chất liệu mới mang tên MR6. Ý tưởng này được ông phát triển từ việc thấy người dân Ấn Độ đốt nhựa để lấp ổ gà, ổ voi trên đường. Theo đó, mô hình này sử dụng từ nhựa phế thải, chất thải nông nghiệp và chất thải thương mại tạo nên. Thảm đường được cho là có chất lượng tốt hơn đến 60% và tuổi thọ kéo dài gấp 10 lần so với các tuyến đường nhựa thông thường. Trước hết, mô hình này được áp dụng gần trang trại ông McCartney sinh sống. Sau đó, thảm đường tiếp tục sử dụng tại quận Cumbria, Anh.

Chế biến rác thải thành xăng dầu ở Nga

Các nhà khoa học nước Nga đã nghiên cứu cách tái chế nhựa, ứng dụng công nghệ cao đưa rác thải nhựa thành nguyên liệu nền để thu được nguyên liệu xăng dầu. Người nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ nhiệt phân trong môi trường yếm khí để tiến hành tái chế rác thải nhựa. Khi vật liệu tái chế được đốt nóng đến nhiệt độ nhất định, các liên kết bị phá vỡ và chuyển sang dạng khí. Lúc này, khí thải tiếp tục được ngưng tụ thành chất lỏng xăng dầu. Theo chuyên gia, tính ưu việt của phương pháp này là không thải ra môi trường những chất gây hại. Vì vậy, đây được xem là công nghệ thân thiện với môi trường sống của con người.

Na Uy áp dụng mô hình “mượn chai nước”

Na Uy được đánh giá là quốc gia đi đầu trong việc xử lý rác thải nhựa. Nhiều nghiên cứu chỉ ra đây là nơi có tỷ lệ tái chế chai nhựa lên đến 97%. Một trong những bí quyết được họ áp dụng là mô hình "mượn chai nước". Theo đó, mỗi khi mua một chai nước bằng nhựa, người tiêu dùng sẽ trả thêm một khoản phí từ 13 - 30 cent (3.000 - 7.000 đồng). Khi uống nước xong, người tiêu dùng sẽ được hoàn tiền khi trả chai nước tại những chiếc máy tự động đặt quanh thành phố. Điểm nổi bật là chỉ cần scan mã vạch trên chai, tiền sẽ tự động vào tài khoản. Ngoài ra, các cửa hàng tiện lợi có chương trình tặng tiền và điểm thưởng khi khách hàng trả lại chai nhựa đã dùng để khuyến khích người dân bảo vệ môi trường.

Bỉ áp dụng quy trình quản rác thải Ecolizer và sự kiện xanh

Năm 1981, Chính phủ Bỉ đã ban hành Nghị định về Quản lý chất thải đầu tiên, trong đó đặt ra những mục tiêu cụ thể cho việc xử lý, phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt. Đầu những năm 1990, Bỉ đã nỗ lực cải thiện công tác phân loại chất thải và đưa ra lệnh cấm đốt rác tái chế, cấm vận chuyển chất thải có thể tái chế; đồng thời, ban hành Đạo luật liên bang nhằm ngăn chặn việc gia tăng chất thải, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Với các chính sách đó, Chính phủ Bỉ đã triển khai chiến lược quản lý chất thải theo từng giai đoạn cụ thể: Đầu tiên là ngăn chặn việc phát sinh chất thải; tiếp theo là tái sử dụng và tái chế chất thải; cuối cùng, nếu không thể tái chế, phải xử lý chất thải theo cách ít tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng nhất, ưu tiên đốt rác phát điện. Ngoài ra, Chính phủ Bỉ cũng tăng cường quản lý vật liệu bền vững bằng cách hạn chế phát sinh chất thải từ các công đoạn sản xuất; thực hiện biện pháp tiết kiệm nguyên liệu thô và năng lượng; triển khai các chiến dịch tuyên truyền, kêu gọi, khuyến khích mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững.

75% rác của Bỉ được tái sử dụng, tái chế hoặc ủ phân - con số cao nhất Thế giới. Tài nguyên của họ dường như được tái sử dụng mãi mãi. Họ có 2 quy trình quản lý rác thải cực kỳ tiên tiến: Ecolizer và Sự kiện xanh.

Ecolizer là hệ thống trên web để quản trị việc sản xuất, đảm bảo lượng rác thải thấp và sạch. Hệ thống tính toán quá trình sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng, năng lượng và xử lý chất thải, giúp các nhà sản xuất có thể đánh giá được tác động môi trường mà sản phẩm của họ sẽ gây ra. Từ đó, đề xuất những cải tiến trong quy trình và trong khâu thiết kế sản phẩm, làm giảm hệ quả xấu tới môi trường. Chỉ cần một thay đổi nhỏ trong thiết kế, ta có thể giảm lượng nguyên liệu và rác thải đáng kể. Ví dụ, khi cần xách 1 ly cafe mang đi, sử dụng một bao nilon chữ T sẽ tiết kiệm và bảo vệ môi trường gấp vài lần so với bao nilon thông thường. Và khi lượng ly cafe lên tới vài triệu, lượng nhựa cần để sản xuất và thải ra môi trường sẽ giảm cực kỳ lớn.

Sự kiện xanh cũng là một hệ thống quản lý trên web tương tự như Ecolizer, nhưng đối với những sự kiện. Hệ thống này giúp đánh giá lượng rác thải mà sự kiện có thể gây ra, những cách thức để giảm rác thải trong sự kiện, và thậm chí danh sách những nơi cho thuê dao kéo tái sử dụng. Họ làm mọi thứ để giảm rác thải từ trong trứng nước.

Chính sách giúp Thụy Điển thành “vua tái chế”

Thụy Điển được xem là nước đi đầu ở khâu tái chế, thậm chí quốc gia này phải nhập khẩu rác để đảm bảo các nhà máy tái chế rác thải hoạt động. Tại đây, chính sách tái sử dụng toàn quốc được tiến hành đồng bộ. Một cuộc vận động toàn quốc mang tên "Miljonar-vanglig" được kêu gọi nhằm hướng đến việc chia sẻ và tái sử dụng. Một công ty chuyên về môi trường đã tổng kết nhiều bí quyết giúp Thụy Điển thành quốc gia không rác bao gồm áp dụng trạm tái chế rác ở khắp nơi, không vứt thuốc còn dư, chiến dịch cùng nhau phân loại rác....

Nhật - Quốc gia đốt rác thải hiệu quả nhất

So với các nước Châu Âu, Nhật Bản không phải là Quốc gia đi đầu về tái chế rác thải. Nhưng họ là Quốc gia đi đầu trong việc phân loại rác và xử lý rác hiệu quả.

Rác thải của Nhật được quản lý rất có chiều sâu. Bắt nguồn từ ý thức phân loại rác, và đổ rác đúng nơi của người dân. Cho đến việc đốt rác thải một cách triệt để bằng công nghệ CFB (Công nghệ đốt hóa lỏng tầng sôi).

Công nghệ này xử lý rác bằng cách vùi rác vào một lớp cát, sau đó sử dụng lưu lượng không khí trong quá trình nung lò, cùng một số hóa chất khác để tiêu hủy rác. Rác bên trong lò sẽ được đối lưu liên tục, và sẽ bị tiêu huỷ hết trong thời gian rất nhanh, kể cả những vật liệu cứng đầu nhất.

Không chỉ vậy, công nghệ này cũng giúp lượng khí thải như NO và NO2 giảm đi rất nhiều, cùng giá thành rẻ hơn những loại hình khác. Lượng nhiệt năng sau khi đốt cũng được sử dụng để sản xuất điện.

Không quá cầu kỳ, phức tạp và rất hiệu quả, nên hiện nay đã có nhiều nước trên thế giới nhập khẩu công nghệ này của Nhật Bản như: Trung Quốc, Thái Lan, và Singapore.

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường