Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, là nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tự tin và vững chắc hơn khi tiến hành hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế. Trong đó, nhãn hiệu là tài sản vô hình lớn nhất của doanh nghiệp. Chính vì vậy, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là một trong những việc làm cần thiết đối với bất cứ sản phẩm nào, dù là lưu hành trong nước hay đưa ra thị trường thế giới. Thế nhưng, thời gian qua, việc bảo hộ nhãn hiệu vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như: Tranh chấp nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên tại Mỹ, bản quyền tác giả đối với truyện tranh “Thần đồng đất Việt”, tên thương hiệu "Phở Thìn Lò Đúc", mất chỉ dẫn địa lý café Buôn Ma Thuột ở Trung Quốc, thương hiệu gạo ST25 đứng trước nguy cơ bị “cướp” nhãn hiệu tại Mỹ… Từ thực tế này, anh Mai Xuân Quang, Công ty TNHH Quang Long cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động đăng ký bản quyền, bảo hộ, nhãn hiệu ngay từ khi bắt đầu kinh doanh:

“Việc không đăng ký bảo hộ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đặc biệt là khi doanh nghiệp đang muốn phát triển chuỗi hệ thống, mà rủi ro lớn nhất chính là bị đối thủ cướp mất thương hiệu của chính mình”, anh Mai Xuân Quang nói.

Việc đăng ký và bảo hộ sở hữu trí tuệ có vai trò then chốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đồng thời qua đó, giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh. Thế nhưng, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta hiện nay chỉ tập trung vào việc hình thành, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ đến việc đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ, thậm chí còn ngại đăng ký bản quyền và sở hữu trí tuệ.

Mặc dù được các chuyên gia đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có ý thức hơn trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu và tài sản sở hữu trí tuệ. Cụ thể, năm 2015 có gần 37.300 đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp thì đến năm 2020 có 55.600 đơn, tăng gần 50% trong vòng 5 năm. Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế thông qua Cục Sở hữu trí tuệ cũng tăng lên hơn gấp đôi từ 105 đơn vào năm 2015 lên 269 đơn vào năm 2020.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động vô cùng lớn ở nước ta hiện nay với gần 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ chiếm 93,5% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, thì số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu vẫn còn chưa xứng với tiềm năng phát triển của doanh nghiệp nước ta.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy gia tăng thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa… nếu không quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ tự đánh mất đi nhiều cơ hội phát triển.

Chính vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp Việt cần có chiến lược đăng ký nhãn hiệu ra quốc tế để bảo vệ thương hiệu cho mình, cũng như nâng cao uy tín trên thị trường:

“Cần hiểu rõ hơn về thương hiệu cùng với tên thương mại, nhãn hiệu nông sản, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng thuộc quyền sở hữu nông nghiệp và được pháp luật bảo hộ là điều cần thiết. Các doanh nghiệp cần thích ứng với các cuộc chơi ở thị trường các nước. Ban đầu thực hiện sẽ thấy khó nhưng khi chúng ta hòa nhập, làm được thì có nhiều cơ hội để nông sản vươn xa trên thị trường quốc tế”, ông Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và truyền thông quốc tế khẳng định.

Có thể nói, các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng cần nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của mình. Nếu không bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu hàng hóa nói riêng, doanh nghiệp sẽ mất cơ hội xuất khẩu mở rộng thị trường cũng như đối mặt với rủi ro về pháp lý.

Mời nghe bài viết tại đây: