Theo dự báo của các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, năm nay bệnh tay chân miệng có thể căng thẳng do sự xuất hiện trở lại của chủng virus EV71.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, trong 5 tháng qua, đã tiếp nhận 1.349 lượt khám ngoại trú, 158 trẻ điều trị nội trú bệnh tay chân miệng. Đến hiện tại, thống kê cho thấy số lượng trẻ mắc tay chân miệng không tăng so với năm 2022 nhưng số ca nặng tăng so với cùng kỳ năm 2022, đã có 1 trẻ 5 tuổi tử vong nghi ngờ do tay chân miệng độ 4.

Trong khi đó, tại các bệnh viện Nhi ở TP. HCM loại thuốc truyền tĩnh mạch dùng khi trẻ tay chân miệng chuyển từ độ 2B và chuyển nặng đã cạn kiệt. Các bác sĩ buộc phải chuyển sang phương án dùng thuốc dạng uống nhưng hiệu quả không bằng thuốc dạng dịch truyền.

Sở Y tế đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lý dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị, nhất là 2 loại thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, Gamma Globulin truyền tĩnh mạch. Văn bản được gửi đi nhằm chủ động ứng phó khi tình hình dịch bệnh tay chân miệng ở TP.HCM diễn tiến phức tạp.

Sở Y tế TP.HCM cũng đã thành lập tổ chuyên gia hỗ trợ hội chẩn các ca bệnh nặng tay chân miệng trên địa bàn. Các bệnh viện nhi trên đã sẵn sàng trang thiết bị, điều trị lọc máu, ECMO... và thuốc men theo phác đồ.