Viết thư về Đài TNVN, chị tâm sự:

Năm nay tôi gần 40 tuổi. Tôi lấy chồng khi còn khá trẻ. Nhưng người ta vẫn bảo “hồng nhan bạc phận”. Cuộc sống hôn nhân của tôi chỉ kéo dài khoảng 4 năm thì chồng tôi bỏ mẹ con tôi ra đi mãi mãi trong 1 vụ tai nạn giao thông. Đau, buồn, tuyệt vọng, khổ sở, khó ai có thể hiểu được tâm trạng của tôi lúc ấy, nhưng tôi vẫn phải gồng mình lên để sống, đi làm và nuôi con. Nhà chồng tôi cũng đông anh em nhưng ai cũng nghèo khó nên chẳng thể nào cưu mang được cuộc sống của mẹ con tôi.

Tôi gửi con cho bà nội cháu rồi lên thành phố kiếm công ăn việc làm. Mới đầu tôi làm giúp việc cho 1 gia đình có con nhỏ. Công việc ban đầu cũng êm xuôi, đứa con của gia đình này cũng là con gái như con tôi nên tôi rất yêu quí và chăm bẵm cháu tử tế. Được gần 1 năm như thế thì mâu thuẫn xảy ra, khi người vợ của gia đình đó có ý nghi ngờ xét nét khi thấy người chồng có vẻ quan tâm đến tôi. Mặc dù: Cây ngay không sợ chết đứng, nhưng tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này, rồi cuối cùng quyết định về quê kiếm việc làm để tiện chăm sóc con. Vất vả trăm bề khi một phụ nữ đơn thân không nghề nghiệp lại đèo bòng thêm một đứa con mới có mấy tuổi, tôi xin việc ở 1 số cơ sở may mặc gần nhà, nhưng rồi con ốm, con đau, đi làm bữa đực, bữa cái, không đảm bảo công việc nên tôi cũng bị sa thải. Thấy người ta nấu rượu để bán hàng, tôi học lỏm rồi vay mượn người thân mua đồ nghề về nấu rượu. Vài mẻ rượu đầu bị thất bại nhưng tôi không nản chí, dần dần, rút kinh nghiệm, tôi đã bắt đầu thành thạo với nghề này. Rượu tôi nấu cũng ngon mà lại không pha phách những thứ lung tung nên cũng hút được khách hàng. Và rồi chỉ với nghề nấu rượu, hai mẹ con tôi thoát khỏi tình cảnh túng thiếu. Tôi cố gắng chăm sóc, bù đắp để con tôi không cảm thấy thiếu thốn cả về tình cảm cũng như vật chất. Năm nay cháu đang học lớp 11. Lực học của cháu cũng tương đối tốt, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến nên tôi khá kỳ vọng ít nữa sẽ cho con học lên đại học để cháu có cơ hội đổi đời. Hai mẹ con tôi rất yêu quý nhau, có chuyện gì cũng trò chuyện, không mấy khi cháu làm trái ý tôi. Cuộc sống của mẹ con tôi cứ trôi đi một cách êm đềm như vậy đó. Thế nhưng bây giờ, đang có 1 chuyện khiến tôi cực kỳ khó nghĩ.

Chuyện là khoảng 2 năm nay, có một người đàn ông xã bên thường đến cất rượu của mẹ con tôi. Anh lầm lì, ít nói, mua hàng, trả tiền 1 cách sòng phẳng rồi đi, không bao giờ nợ nần. Thấy nhà cửa vắng vẻ không có bóng đàn ông nên cũng có lúc anh nán lại, sửa giúp tôi chiếc quạt bị long cánh, hoặc sửa chiếc bàn, chiếc ghế bị lung lay, tra dùm tí dầu vào ổ khóa cửa cổng. Lâu dần, tôi quen với sự giúp đỡ của anh, cứ có đồ vật hỏng hóc là tôi chờ anh đến để nhờ sửa chữa. Con gái tôi cũng thỉnh thoảng nói chuyện với anh vài câu. Tìm hiểu hoàn cảnh, tôi được biết, đã 40 tuổi rồi nhưng anh chưa từng kết hôn, bởi sự tự ti, mặc cảm vì gia cảnh quá nghèo. Sau khi bố, rồi mẹ lần lượt qua đời, giờ anh sống một mình. Thời gian gần đây, anh nói là thương hoàn cảnh của mẹ con tôi và muốn được chung sống để gánh đỡ phần vất vả với tôi. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này. Quả thật là từ khi chồng tôi mất, có rất nhiều đàn ông đến gần tôi, người chân tình cũng có, người có ý định lợi dụng cũng có. Tuy nhiên, tôi đều tìm cách né tránh và không đặt tình cảm của mình cho ai cả. Lúc con còn bé, tôi dồn hết tâm sức của mình cho con, bây giờ khi con đã lớn, có lúc tôi cũng cảm thấy cô đơn, muốn có người bên cạnh để sẻ chia. Ngẫm đi, ngẫm lại thì hoàn cảnh của anh đến với tôi là phù hợp nhất, nhưng mối lo của tôi bây giờ lại chính là con gái của mình. Hình như, cháu cũng đã biết chuyện của tôi với anh. Có lúc tôi thấy ánh mắt của cháu nhìn chúng tôi một cách dò xét. Tuy nhiên cũng chưa bao giờ cháu hỏi tôi về người đàn ông ấy. Liệu cháu có chấp nhận anh làm bố dượng hay không? Đã mấy lần, tôi định nói chuyện với con nhưng không biết mở lời như thế nào nữa?

Các bạn chia sẻ với nhân vật bằng cách để lại lời nhắn dưới câu chuyện hoặc gọi đến số 0243.934.1139 (trong giờ hành chính)

Mời các bạn nghe âm thanh câu chuyện dưới đây: