Trên trang fanpage của chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi, cô gái kể về câu chuyện gia đình mình như thế này:

Em là thế hệ 9X đời cuối. Kể từ lúc em có nhận thức và trí nhớ thì trong đầu chỉ tràn ngập hình ảnh, câu chuyện về việc bố mẹ cãi lộn với nhau. Sự việc xảy ra nhiều đến mức, em trở nên quen thuộc và không lấy gì làm bận tâm mà lý do chủ yếu là mẹ em ghen với bố. Kỳ lạ ở chỗ là mẹ em có thể ghen với bất cứ ai, từ bà hàng xóm, đến con cháu, họ hàng ở quê lên nhà em chơi. Ví dụ như việc có một chiếc khăn tắm bị ướt mà không phải do em hay mẹ em giặt hoặc sử dụng, và tình cờ lại có một vị khách nữ ở trong nhà, ngay lập tức mẹ em sẽ bóng gió rằng “đã có ai quan hệ mờ ám trong nhà tôi”, “Giấu đầu hở đuôi à? Sao phải vội vàng tắm rửa thế?” rồi giọng đầy mỉa mai “Còn ai vào đây nữa…”. Đây chỉ là ví dụ minh họa cho 1001 câu chuyện phi lý mà mẹ gây mệt mỏi cho cả nhà.

Lớn dần, em cũng tìm hiểu rồi đưa mẹ đi kiểm tra tâm lý một cách khéo léo, tế nhị chứ không phải đưa thẳng vào bệnh viện để xem tại sao mẹ lại bị như vậy thì được biết mẹ em cũng có một chút vấn đề về tâm lý nên bà mới hay ghen tuông hoang tưởng. Và đương nhiên rồi, người bệnh thì không bao giờ tự nhận mình bị bệnh. Em cũng chỉ biết ở bên lắng nghe và chăm sóc sức khoẻ lẫn tinh thần cho mẹ. Cố gắng đưa mẹ ra ngoài nhiều hơn, tham gia các câu lạc bộ để mẹ không còn bận tâm về bố nữa, nhưng cũng chỉ được vài ba ngày là mẹ em lại có chuyện để ghen tiếp.

Mãi sau này, em mới được dì em kể lại rằng, bố đã từng phản bội mẹ. Chuyện xảy ra khi em mới chào đời, còn anh trai khi đó hơn 2 tuổi. Dì bảo mẹ em sốc tới mức đã từng uống thuốc ngủ để tự tử, nhưng may là mọi người phát hiện và đưa mẹ em cấp cứu kịp thời. Phải mất rất nhiều thời gian sau đó, mẹ em mới có thể bình ổn lại tâm lý. Nhưng cũng từ đấy, mẹ trở nên nghi kị với tất cả những người phụ nữ ở gần bố. Ngay cả dì hay bất cứ ai trong nhà cũng thường né tránh nói chuyện, cười đùa với bố khi không có mẹ. Hoặc có mẹ thì mọi cử chỉ, lời nói cũng rất chừng mực.

Dì cũng kể thêm, trước kia, ông ngoại cũng từng phản bội bà ngoại. Mẹ là lớn nên bao nhiêu ấm ức, hắt hủi, bực bội của ông với bà hay bà với ông đều đổ dồn lên mẹ. Do phải chịu nhiều tổn thương nên khi lập gia đình, mẹ vẫn nói với dì rằng, mẹ không cần một người chồng tài giỏi, chỉ cần người ấy chung thủy, cùng mẹ vun đắp xây dựng tổ ấm. Ấy vậy mà, bố lại đi vào vết xe đổ của ông ngoại và khiến mẹ trở nên cực đoan.

Biết chuyện của mẹ, em càng thấy thương mẹ hơn. Ngoại trừ cái tính ghen tuông đến mức hoang tưởng của mẹ thì mẹ là một người hay lam hay làm, không ngại khó ngại khó, yêu chồng thương con và cũng là người sống trọng tình cảm. Bạn bè, người thân mà xảy ra chuyện là mẹ đứng ngồi không yên. Hay như cô bạn thân của mẹ sang nước ngoài định cư cũng khiến mẹ buồn mất vài tuần mới ổn định lại được. Duy chỉ những chuyện liên quan tới bố, nhất là phụ nữ là mẹ thường mất kiểm soát cảm xúc, hành vi.

Thương nhưng không có nghĩa em chấp nhận được cách hành xử của mẹ. Mẹ ghen với người ngoài đã đành, giờ mẹ còn ghen cả với con dâu. Chỉ vì mẹ thấy bố vào bếp hỗ trợ chị dâu nấu cơm và hai người cười nói vui vẻ mà mẹ đã quy chụp hai người có tình ý với nhau.

Lúc đầu, chị dâu em cũng sốc lắm, nhưng sau này, biết mẹ bị bệnh chị cũng không chấp nhặt và cố gắng nhẫn nhịn. Từ ấy, bố và chị cũng giữ khoảng cách, không trò chuyện, không nhờ vả, giúp đỡ nhau việc gì. Cũng từ đó, không khí gia đình lúc nào cũng gượng gạo, thậm chí có phần căng thẳng. Không chỉ người trong nhà mà những người xung quanh cũng né tránh bố. Vì sợ nhỡ có một chút gì sơ sẩy là mẹ lại bóng gió, mỉa mai. Có lúc bố nhịn, nhưng có khi bố cũng nói lại. Những lúc ấy, nhà cửa ầm ĩ vì bố mẹ cãi lộn, đập đồ, chửi thề.

Nhiều khi em cảm giác như nghiệp chướng vậy đó. Không biết làm cách nào để hóa giải. Đã có lần, em nửa đùa nửa thật nói nếu mẹ không tin tưởng bố thì mẹ bỏ bố đi. Nhưng mẹ em nhất quyết không. Chẳng lẽ bây giờ em lại khuyên bố đề xuất ly hôn mẹ để giải thoát cho nhau. Nhưng em sợ làm vậy có khiến mẹ em lại nhận thêm cú sốc nữa và khiến bệnh tình mẹ trở nặng hơn không?

Các bạn có thể chia sẻ, góp ý với nhận vật bằng cách gọi đến số điện thoại 0243.934.1139 (trong giờ hành chính), hoặc để lại lời nhắn dưới câu chuyện.

Mời các bạn nghe biên tập viên chương trình thay lời nhân vật kể lại câu chuyện: