Quyết định kết hôn với người đàn ông hướng nội, hiền lành, cô gái hiểu rằng không thể đòi hỏi ở anh quá nhiều về nghị lực hay ý chí phấn đấu vươn lên. Anh an phận thủ thường, luôn bằng lòng với những gì mình đã và đang có. Thế nhưng bù lại, cô có được sự yêu thương, chăm sóc cũng như hỗ trợ của anh trong mọi việc. Cuộc sống có lẽ cứ thế êm đềm trôi qua như vậy nếu như anh không có tính giận hờn vô cớ. Anh cũng rất hay để bụng những chuyện vụn vặt để rồi khi hai người có mâu thuẫn lại lôi ra đay nghiến, chì chiết cô. Cô không biết làm thế nào để chồng có thể sẵn sàng chia sẻ để hai vợ chồng cùng nhau giải quyết mọi khúc mắc thay vì chỉ im lặng, giận dỗi khiến không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng.
Sau khi câu chuyện được phát sóng trong chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" của VOV2, nhiều thính giả đã đồng cảm, chia sẻ và đóng góp ý kiến với nhân vật:
Biên tập viên chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" cũng có đôi điều muốn chia sẻ với nhân vật như thế này:
Trong cuộc sống hôn nhân, giận dỗi đôi khi cũng là một thứ gia vị để vợ chồng hiểu nhau hơn, yêu thương nhau hơn. Tuy nhiên, cái gì quá cũng đều không tốt. Sau một ngày làm việc căng thẳng, ai cũng muốn trở về tổ ấm để được nghỉ ngơi, sum vầy vui vẻ với gia đình. Vậy mà, suốt ngày phải đối diện với sự giận hờn vô cớ sẽ chỉ khiến cho cả hai thêm mệt mỏi, chán nản mà thôi.
Tôi có cảm nhận dường như lúc nào bạn cũng phải nhìn nét mặt của chồng để cư xử, nói năng cho phù hợp cũng như để tránh gây ra mâu thuẫn và những cuộc chiến tranh lạnh đến hàng tuần. Tôi hiểu rằng, bạn không chỉ thấy mệt mỏi, chán nản mà còn có cả chút tủi thân. Bởi lẽ, thông thường, người hay hờn dỗi phải là phụ nữ. Khi có mâu thuẫn, phụ nữ thường muốn được chồng xuống nước, nịnh nọt, làm hòa. Vậy mà, ở gia đình bạn thì bạn lại là người phải làm điều đó. Nếu tình trạng này không được giải quyết dứt điểm, rất có thể sẽ càng đẩy bạn ra xa chồng.
Những người có tính cách như chồng bạn có lẽ một phần do được gia đình bao bọc, chiều chuộng từ khi còn nhỏ. Đến khi yêu và kết hôn lại được bạn gái yêu thương, nhường nhịn nên đã tạo cho anh ấy thói quen cứ giận dỗi là những mong muốn của anh sẽ có được, hoặc đôi khi chỉ là cảm giác chiến thắng sau những lần mâu thuẫn. Nếu đúng như vậy thì việc chồng ngày càng trở nên hay hờn dỗi kiểu trẻ con cũng là một phần lỗi do bạn. Cho nên bản thân bạn cũng nên nhìn nhận lại mọi việc. Liệu có phải do anh đang gặp áp lực công việc, hay cũng có thể do chính những lời nói, hành xử, việc làm của bạn vô tình gây nên những hờn giận vô cớ của chồng. Nếu là một người dễ dàng chia sẻ thì câu chuyện sẽ nhanh chóng được giải quyết. Nhưng như bạn chia sẻ, chồng bạn là người hướng nội, khó mở lời nên trước mọi việc anh thường chọn cách im lặng. Vậy nên việc thay đổi được chồng với bạn sẽ càng khó khăn hơn.
Ở hoàn cảnh của bạn có lẽ việc cần nhất là bạn phải thay đổi chính mình và từ đó giúp anh ấy thay đổi và trưởng thành hơn. Bạn hãy trò chuyện với chồng nhiều hơn, chia sẻ với anh ấy nhiều hơn về cảm xúc, mong muốn của bạn. Nếu bạn cứ im lặng và nhẫn nhịn thì chồng bạn sẽ không nhận ra anh ấy đã khiến bạn mệt mỏi đến nhường nào. Quá nhiều lần, được vợ chủ động làm hòa khiến chồng bạn không nhận ra bản thân anh ấy cũng là người mắc lỗi. Thế nên, không có cách nào khác ngoài việc vợ chồng bạn phải trò chuyện cởi mở với nhau hơn.
Nếu như việc bạn trao đổi không khiến chồng bạn thay đổi thì bạn hãy làm lơ như không hề biết rằng anh đang giận dỗi. Bạn cứ vô tư chơi đùa với con và khéo léo nhắc con gọi bố, kéo bố chơi cùng... Tạo ra những niềm vui mang tính gắn kết các thành viên như vậy, chắc chắn chồng bạn sẽ không thể từ chối. Dù ban đầu, chồng bạn có thể mặt nặng mày nhẹ, không vui vẻ hòa nhịp cùng hai mẹ con nhưng lâu dần sẽ khiến anh ấy tự quên đi những giận hờn vô cớ và mọi việc sẽ nhanh chóng trở lại bình thường.
Tuy nhiên, cùng với đó, bạn cũng cần tỏ ra quyết liệt một lần để anh ấy phải vào vai của người bị giận để có thể hiểu tâm trạng của bạn hơn. Hãy thử một lần giận ngược lại chồng một cách mạnh mẽ. Khi bị làm lơ theo đúng cách mà anh ấy đối với bạn thì chồng bạn sẽ phải có thái độ khác, tự mở lời và mong muốn làm lành với bạn. Khi đó cả hai hãy bình tĩnh giải quyết các mâu thuẫn thay vì tìm cách trốn tránh và im lặng.
Bạn ạ, trong bất kỳ mối quan hệ nào, im lặng chỉ là giải pháp tạm thời để bình tĩnh soi xét lại sự việc chứ không phải cách giải quyết vấn đề. Vì vậy, quãng lặng cũng cần phải có giới hạn, đừng để sự hờn dỗi âm thầm gây hại cho mối quan hệ của hai bạn.
Thực tế, gia đình nào cũng sẽ có những xích mích, nhưng khi còn có thể giải quyết thì hãy giải quyết chúng. Đừng để tích tiểu thành đại và trở thành vết sẹo chẳng thể lành, rạn nứt không thể hàn gắn, bạn nhé!