Cha mẹ thường hy sinh hết mình cho con cái và hy vọng rằng khi lớn lên con sẽ ngoan ngoãn, thành đạt, biết báo đáp công ơn sinh thành. Thế nhưng, cũng có không ít người con càng lớn càng ương bướng, ngỗ nghịch, khó dạy bảo khiến cha mẹ phiền lòng. Cần làm gì để con thay tâm đổi tính, biết nghĩ cho cha mẹ?

Sau khi câu chuyện được phát sóng, nhiều thính giả đã chia sẻ và đóng góp ý kiến với nhân vật:

Biên tập viên chương trình cũng có đôi điều muốn chia sẻ với nhân vật như thế này:

Bất cứ người cha, người mẹ nào ở trong hoàn cảnh của bác cũng thật đáng thương và đầy bất hạnh. Sinh con ra ai cũng mong con cái khôn lớn, trưởng thành, sống tử tế, lương thiện. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ khiến cha mẹ ấm lòng, chứ chưa nói tới việc con có thể hỗ trợ, phụ giúp cha mẹ thế nào.

Con của bác đã từng là một đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu thảo, học giỏi. Để con thay tâm đổi tính như hiện tại thì chắc hẳn phải có rất nhiều sự tác động. Có thể trước đây, khi con bác học cấp 1, cấp 2 là những ngôi trường gần nhà, bạn bè cũng đều là hàng xóm láng giềng nên có hoàn cảnh, cách sống, lối nghĩ tương đồng. Thế nhưng, khi ra một môi trường lớn hơn, cũng là lúc con bác bước vào độ tuổi dậy thì, có những thay đổi về tâm sinh lý, rất cần sự đồng hành, uốn nắn của cha mẹ thì dường như 2 bác lại quá mải mê với công việc mưu sinh nên chưa thực sự quan tâm, sâu sát tới con trai mình, không nhận ra cậu ấy có những thay đổi. Chỉ đến khi thầy cô giáo thông báo đến để cùng giải quyết những hậu quả mà con gây ra thì lúc ấy bác mới biết mọi việc.

Tuy nhiên, sau lần đó, bác đã từng gần gũi tìm hiểu lý do tại sao con làm vậy không? Hay chỉ là những lời quở trách, mắng mỏ. Cho đến sau này, khi con ngày càng ngỗ nghịch, hỗn láo thì bác đã bao giờ trò chuyện với con hay chưa? Tôi luôn cho rằng, mọi thứ xảy ra đều có nguyên nhân, chứ không tự nhiên mà như vậy. Tôi phỏng đoán rằng, vợ chồng bác đã quá chủ quan, quá tin tưởng vào con mình mà không nghĩ rằng xã hội cũng đầy rẫy những cạm bẫy, một đứa trẻ mới lớn không dễ gì để nhận biết, phân biệt. Hơn nữa, các mối quan hệ bạn bè của con đều là những người bạn chỉ biết ăn chơi, lêu lổng, quậy phá, thì con bác thật khó để vượt qua. Và chính điều đó làm con trai bác cứ trượt dài mãi trong những sai lầm.

Hơn nữa, không biết tôi cảm nhận đúng không, nhưng tôi thấy vợ chồng bác có vẻ cũng chiều chuộng, bao bọc con quá, để đến bây giờ khi anh ấy 33 tuổi rồi vẫn chỉ biết ở nhà ăn bám bố mẹ. Đáng lý, lúc con thôi học, 2 bác đã phải định hướng, tìm một nghề nào đó cho anh ấy học, hoặc nếu gia đình làm nông thì phải biết hỗ trợ cha mẹ. Đằng này, anh ta chỉ biết chơi bời lêu lổng, phá phách làng xóm, thậm chí còn chửi, đánh cha mẹ ruột của mình.

Từng vấn đề giữa bác và con trai không được giải quyết thỏa đáng ngay lúc đó nên mọi việc cứ một ngày một lớn, tạo ra một sự bất thường về tâm lý. Nhiều thính giả đã chia sẻ rất đúng, bác nên cho anh ấy đi khám chuyên khoa về tâm lý, tâm thần để tìm hiểu căn nguyên, liệu có phải anh ấy bị bệnh hay không? Bên cạnh đó, cũng có khả năng con trai chơi với những người bạn xấu và dính vào tệ nạn, khiến anh ấy có những cư xử không phải đạo như vậy. Bác cũng có thể đưa con trai đi làm những xét nghiệm để có câu trả lời chính xác nhất.

Việc bác báo công an xã, làm đơn để tố cáo con đi tù, có lẽ chỉ là giải pháp tình thế, nhưng bác thấy rồi đó, nó chỉ khiến mối quan hệ cha con rạn nứt hơn mà thôi. Đó cũng là lý do vì sao, con trai bác ngày càng càn quấy, phá phách nhiều hơn, đặc biệt là có những cách hành xử vô lễ với bác như vậy.

Tôi biết điều này là khó nhưng bác hãy thử một lần tìm hiểu thật kỹ về con trai mình. Chỉ khi bác biết nguyên nhân cụ thể thì bác mới có cách để can thiệp, giúp đỡ con vượt qua được trở ngại hiện tại và làm lại từ đầu.

Mong rằng những chia sẻ, phân tích, góp ý của tôi cũng như các quý thính giả phần nào đó giúp bác giải tỏa nỗi muộn phiền trong lòng và có cách giải quyết vấn đề bác đang gặp phải một cách tốt nhất. Chúc bác thật nhiều sức khỏe.