Phát biểu tại buổi làm làm việc, Phó Tổng Giám đốc VOV Ngô Minh Hiển giới thiệu ngắn gọn về cơ cấu tổ chức của Đài Tiếng nói Việt Nam - 1 trong 3 cơ quan chủ lực truyền thông đa phương tiện của Chính phủ (cùng với Đài Truyền hình Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam). Hiện nay, VOV có 8 kênh phát thanh, phục vụ thông tin đa dạng nhu cầu của công chúng trên nhiều lĩnh vực: thời sự - chính trị, văn hóa - xã hội, âm nhạc, thông tin - giải trí; cùng các kênh dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số với nội dung phát sóng bằng 13 thứ tiếng dân tộc.

Đánh giá cao tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, Phó Tổng giám đốc Ngô Minh Hiển cho biết, VOV hiện có kênh phát thanh đối ngoại sử dụng 13 ngôn ngữ; đặc biệt tiếng Trung là một trong những ngôn ngữ có thời lượng phát sóng lớn nhất.

Đài Tiếng nói Việt Nam đang triển khai 6 cơ quan thường trú trong nước và 13 cơ quan thường trú ở nước ngoài, trong đó có một cơ quan thường trú tại Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng duy trì mối quan hệ hợp tác rộng rãi với nhiều tổ chức phát thanh - truyền hình trên toàn thế giới, trong đó có Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và các đài truyền hình địa phương ở hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam.

Thời gian qua, Ban Hợp tác quốc tế của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã tích cực làm việc với phía Quảng Tây để chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt sắp tới: Lễ ra mắt và công chiếu bộ phim tài liệu “Việt Nam - Trung Quốc: Con đường phát triển” do VOV và Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Tây sản xuất nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ song phương. Bên cạnh buổi công chiếu, hai bên sẽ tổ chức chương trình giao lưu giữa các nhà báo Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có các phóng viên, biên tập viên từ Quảng Tây, nhằm tăng cường sự kết nối, hiểu biết và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

"Chúng tôi sẽ gửi văn bản lên Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn để sau khi giới thiệu sẽ chuyển bộ phim “Việt Nam - Trung Quốc: Con đường phát triển” về Đài truyền hình Việt Nam và phát trước thềm chuyến thăm Việt Nam của đồng chí Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình", ông Ngô Minh Hiển nhấn mạnh.

Cũng tại buổi làm việc, ông Lê Phan - Phó Trưởng Ban Tuyên truyền kiêm Chủ nhiệm Văn phòng báo chí Quảng Tây gợi ý hai bên có thể mở rộng hợp tác trên nhiều phương diện như: trao đổi thông tin, phối hợp sản xuất chương trình, đồng sản xuất phim tài liệu, trao đổi nhân sự và triển khai các dự án nghiệp vụ chung.

Ông Lê Phan cũng kỳ vọng sẽ có thêm nhiều sáng kiến hợp tác được thực hiện trong tương lai, đặc biệt trong việc ứng dụng AI vào các sản phẩm báo chí truyền thông. "Trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực rất tiềm năng mà chúng tôi đặc biệt quan tâm. Việc đẩy mạnh hợp tác song phương trong ứng dụng AI vào hoạt động báo chí - truyền thông sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy trình sản xuất, và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng trong thời đại số".

Bước vào thời kỳ hội nhập, Đài Tiếng nói Việt Nam đang tăng cường chuyển đổi số, đưa toàn bộ sản phẩm báo chí lên các nền tảng số và nền tảng xuyên biên giới. Nhờ đó, làn sóng VOV có thể tiếp cận khán, thính giả mọi lúc, mọi nơi, không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian.

Dự kiến trong chương trình làm việc, hai bên cũng sẽ tổ chức một phiên thảo luận chuyên đề nhỏ, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao nhận thức của các nhà báo về việc ứng dụng AI trong sản xuất báo chí.

"Một trong những định hướng mà cả hai bên cùng hướng đến là thúc đẩy giao lưu giữa các nhà báo trẻ Việt Nam và Trung Quốc, để từ đó hình thành một thế hệ kế cận có khả năng kế thừa và phát huy quan hệ hợp tác hữu nghị lâu đời giữa hai quốc gia. Chúng tôi tin rằng, sự kiện sắp tới không chỉ là dịp giao lưu nghề nghiệp, mà còn góp phần tăng cường kết nối giữa hai nền báo chí, cũng như duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc", Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Ngô Minh Hiển nói.