Chăm sóc sức khỏe là vấn đề trọng tâm để bảo đảm cuộc sống hạnh phúc đối với người cao tuổi bởi quá trình già hóa sẽ làm làm gia tăng các loại bệnh tật và thậm chí là đối diện với nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, bảo đảm khả năng tài chính cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe vẫn luôn là thách thức, là gánh nặng đối với nhiều người cao tuổi và gia đình họ.
Thời gian qua, đối diện với quá trình già hóa dân số đang tăng nhanh, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn khi đã mở rộng độ bao phủ chính sách BHYT đối với nhóm người cao tuổi với phương châm “phát triển bao trùm - không ai bị bỏ lại phía sau”. Tham gia BHYT, người cao tuổi không chỉ có cơ hội vượt qua được những căn bệnh nan y mà còn giúp gia đình thoát khỏi cảnh “nợ nần” vì gánh nặng bệnh tật.
Ông Trần Văn Vũ, 80 tuổi, ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình mang trong mình căn bệnh máu khó đông, phải thường xuyên đến bệnh viện để điều trị và uống thuốc. Tai nạn tiếp tục ập đến khi ông bị ngã gãy chân, chảy máu nhiều nhưng do máu không đông nên nếu không giải quyết kịp thời thì phải cắt bỏ chân. Thật may là sau nhiều lần hội chẩn, bác sĩ bệnh viện đã tìm mọi phương án để cầm máu, giúp ông vượt qua được thời điểm nguy kịch. Nhưng ông còn may hơn nữa vì có sử dụng thẻ BHYT.
“Tôi điều trị mỗi lần chi phí rất cao, một năm phải từ 800 đến hơn 1 tỷ đồng. Với cú ngã vừa rồi, riêng tiền điều trị đã mất trên 2 tỷ đồng. Rất may là BHYT chi trả cho tôi hoàn toàn, gia đình tôi không mất đồng nào cả...” - ông Trần Văn Vũ chia sẻ.
Với anh Trần Văn Hải, con trai ông Vũ, tấm thẻ BHYT chẳng khác nào là chỗ dựa vô cùng quan trọng của gia đình anh: “Bố tôi hầu như năm nào cũng đi bệnh viện 2-3 lần trong khi chi phí để chữa bệnh là rất cao. Rất may là có BHYT, tôi thấy có nhiều lợi ích, gắn liền với cuộc sống của người dân, rất thuận tiện”.
“Với người bệnh, tinh thần rất quan trọng, nếu không có thẻ BHYT thì những khoản tiền thuốc, tiền khám chữa bệnh thực sự là nỗi lo không nhỏ” - Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Lụa ở huyện Chương Mỹ, TP. Hà Hội. Gia đình làm nông nghiệp, điều kiện kinh tế cũng không có gì là dư giả, thế nên khoản tiền để mua BHYT với bà là không hề nhỏ. Tuy nhiên, bà chưa khi nào phải đắn đo, suy tính bởi khi ốm đau, bệnh tật phải đi viện điều trị, bà cảm thấy rất yên tâm, không phải chạy vạy lo viện phí.
“Tôi mắc bệnh hiểm nghèo liên quan đến thận, đã đi Bệnh viện Việt Đức rồi sang cả Bệnh viện K. Bản thân tôi cũng không còn khả năng lao động nữa thành ra rất là khó khăn. Nhờ có thẻ BHYT, nhờ được sự quan tâm, giúp đỡ của các bác sỹ, gia đình đã bớt đi được rất nhiều gánh nặng” - Bà Nguyễn Thị Lụa cho biết.
Còn ông Hoàng Xuân Chu ở quận Hà Đông, Hà Nội, đã hơn 80 tuổi nên mang trong mình không ít bệnh nền, nào là huyết áp, tiểu đường, tim mạch... Một năm ngoài hai lần đi khám định kỳ, hàng tháng ông thường xuyên phải vào viện để lấy thuốc uống. Nhờ có thẻ BHYT nên ông không còn phải lo nghĩ nhiều đến chuyện tiền nong để chữa bệnh: “Về tuổi tôi thì sức khỏe ngày một kém đi. Nếu nhà có điều kiện kinh tế tốt thì không sao nhưng điều kiện kinh tế mình nó kém thì BHYT rất có giá trị để mình yên tâm chăm lo sức khỏe cho bản thân”.
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, thời gian qua, 13 triệu người cao tuổi, từ 60 tuổi trở lên của nước ta đã được cấp thẻ BHYT và trong năm nay đang tiếp tục thực hiện bao phủ BHYT hết 5% người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo còn lại. Chính nhờ những cải tiến liên tục của chính sách BHYT nên quyền lợi trong chăm sóc sức khỏe của nhóm người cao tuổi ngày càng được mở rộng, giúp người cao tuổi có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với những dịch vụ khám, chữa bệnh hiện đại.