Trong số các hình thức chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, Tiến sỹ Đàm Hữu Đắc, nguyên Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam đặc biệt ấn tượng với mô hình Câu lạc bộ (CLB) liên thế hệ tự giúp nhau. Trao đổi với phóng viên VOV2, ông cho rằng nếu chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa đến việc nhân rộng mô hình này, không chỉ thực tốt công tác chăm sóc mà còn phát huy hiệu quả vai trò của người cao tuổi.

Phóng viên: Thưa ông! Qua nghiên cứu cũng như từ thực tế từng làm công tác quản lý tại Hội Người cao tuổi Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về các mô hình CLB của người cao tuổi hiện nay?

TS Đàm Hữu Đắc: Hiện cả nước có hơn 70 mô hình CLB của người cao tuổi, nhiều mô hình hoạt động rất hiệu quả, tu hút hàng triệu người cao tuổi tham gia. Có thể kể đến như các CLB về thể thao, văn hóa….. Trong số này, tôi đánh giá cao nhất là mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau, giúp cho nhiều người nghèo thoát nghèo bền vững. Mô hình này vừa có các hoạt động về văn hóa, tinh thần, chăm sóc sức khỏe, tư vấn và hướng dẫn thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi. Nói chung, đây là mô hình rất thiết thực với đối tượng người cao tuổi, không chỉ góp phần giải quyết vấn đề nghèo đói mà còn nâng cao quyền của người cao tuổi.

Phóng viên: Theo ông, yếu tố nào khiến mô hình này đạt được cả hai tiêu chí: chăm sóc tốt và phát huy hiệu quả vai trò người cao tuổi như vậy?

TS Đàm Hữu Đắc: Mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau có 7 hoạt động liên quan đến người cao tuổi. Tham gia mô hình này, những người cao tuổi nghèo sống không có cơ hội tham gia vào các mô hình chuyên ngành, nhất là các cụ ở khu vực nông thôn, rất có lợi. Ví dụ, trong việc vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế, người cao tuổi khó tiếp cận. Vốn vay tại Ngân hàng chính sách xã hội, mức tối đa là 50 triệu đồng/người/hộ. Còn với mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, người cao tuổi nghèo lại là đối tượng được ưu tiên vay. Dù mức vay không cao, chỉ từ 5 - 7 triệu đồng/người, nhưng hiệu quả rất cao, giúp nhiều người thoát nghèo bền vững. Vì sao? Đó là do cách thức cho vay và hỗ trợ. Tại đây, người được vay sẽ được hội viên trong CLB - những người có kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, tập trung hướng dẫn, thậm chí cầm tay chỉ việc cho những người vay vốn. Nhờ đó, những hộ nghèo vay vốn biết cách làm ăn, từ nhỏ đến lớn và thoát nghèo bền vững nhờ trí tuệ và sức mạnh của cộng đồng

Phóng viên: Nhưng hiện nhiều nơi, người cao tuổi chưa thành lập được CLB Liên thế hệ tự giúp nhau. Ông có đề xuất gì để sẽ có thêm những “sân chơi” bổ ích cho không chỉ riêng đối tượng người cao tuổi?

TS Đàm Hữu Đắc: Mô hình này từ nước ngoài vào. Mấu chốt là người ta cho mỗi CLB 100 triệu làm vốn, mục đích chính là để cho hội viên nghèo vay vốn phát triển kinh tế với lãi suất rất thấp. Vốn cứ quay vòng liên tục, không bị mất đi, thậm chí tăng thêm. Thời gian qua, mô hình này chưa được nhân rộng vì chính quyền các địa phương chưa quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn ban đầu để thành lập các CLB. Vì thế, tôi khuyến nghị các cấp, ngành hỗ trợ nguồn vốn ban đầu cho người cao tuổi ở cơ sở để nhân rộng mô hình. Nhà nước quan tâm thì sẽ nhân rộng được, nếu không được 100 triệu/CLB thì 50 triệu/CLB cũng được. Tôi nghĩ, thông qua mô hình, người cao tuổi các địa phương sẽ góp phần giải quyết về vấn đề giảm nghèo, đồng thời thực hiện công tác chăm hội viên rất hiệu quả.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!