Cùng cảnh khổ

Giữa năm 2022, bà Phương Hồng Yến (73 tuổi, ngụ tại phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM) đang đẩy xe đi nhặt ve chai trên đường thì nghe tiếng kêu yếu ớt của một con chó trong bụi cây. Thương cảm, bà mang con vật về nuôi, bà ăn gì nó ăn nấy.

Thoắt cái đã 2 năm. Giờ đây bà Yến đã nuôi đến 9 con chó. Bị bệnh khớp, đi lại khó khăn nên bà Yến đành dựng một túp lều trên đường Trương Đình Hợi (quận 4) để bán vé số.

Bà thuê căn trọ nhỏ ở phường Tân Thuận Tây (quận 7) để mỗi buổi chiều về tắm rửa, giặt giũ. Thời gian còn lại trong ngày bà cụ 80 ở ngoài đường vì chủ trọ không cho mang chó vào phòng. Mỗi ngày, bất kể nắng mưa, bà Yến đều ngồi chờ bán cho hết tập vé số 200 tờ để kiếm 200.000 đồng.

Số tiền này vừa đủ để đóng tiền trọ, lo bữa cơm cho bản thân và đàn chó. Có những hôm trời nắng gắt, vé số ế nhiều, bà nhịn đói đến mức ngất xỉu, mãi thành quen.

Nhìn đàn chó, đôi mắt bà Yến đượm buồn, bàn tay chai sạn vuốt ve "bọn nhỏ".

"Tụi nhỏ ngoan lắm, gặp người lạ là sủa lớn, sợ người ta làm hại tôi. Chó nhà nghèo nên sống kiểu nghèo, không đòi hỏi gì", bà Yến bộc bạch.

Gọi là lều nhưng chỗ ngồi bán vé số của bà Yến thực ra chỉ che tạm bằng chiếc dù cũ. Giữa trời nắng gắt, bà Yến lấy tay quẹt vội mồ hôi trên mặt, lưng áo ướt đẫm.

Dù cuộc sống khó khăn, bà chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ đàn chó. Nhiều người đến ngỏ ý muốn xin về nuôi, bà Yến đều lắc đầu vì sợ người ta sẽ mang chúng đi bán, thịt.

"Tôi còn sống ngày nào thì còn nuôi chúng ngày đó. Khi nào tôi chết, chúng muốn đi đâu thì đi", bà Yến tâm niệm.

Người dân trong khu vực đều biết hoàn cảnh của bà Yến, thường lui tới ủng hộ vé số, khi thì mang cho bà chút thức ăn, thuốc men.

Với những người bán vé số khó khăn hơn, bà thường nói họ đưa vé số để bà bán phụ.

Giúp người là vậy, bà Yến cho hay không ngày nào là bà không nghe lời mắng nhiếc. Cụ bà kể, có lần một người phụ nữ đến mượn bà 1 triệu đồng để thuê người vác gạo từ thiện. Người này hứa sẽ cho bà 1 triệu đồng, rồi mua luôn 186 tờ vé số trên tay bà.

Tin người, bà Yến đưa hết tập vé số cùng hơn 1 triệu đồng trong túi rồi chợt chưng hửng khi người phụ nữ ấy đi mất. Giải thích với chủ đại lý việc bị lừa nhưng không ai tin, bà Yến đành cắn răng trả nợ dần.

Nửa đời cô độc

Nước mắt hòa nước mưa, bà Yến nghẹn ngào thầm trách số phận nghiệt ngã của mình. Cố nhớ về ký ức hơn 70 năm trước, bà Yến kể xuất thân trong gia đình khá giả gốc Hoa. Bố mẹ mất khi bà tầm 20 tuổi.

Cú sốc khiến bà quên gần như toàn bộ ký ức 20 năm đầu cuộc đời. Không gia đình, bà lang thang tìm việc làm để tự nuôi thân. Đến nay bà không còn nhớ nối tên bố mẹ mình, gia đình.

Đầu tiên, bà xin đi làm giúp việc rồi làm phục vụ nhà hàng. Sau này vì bị dầu văng vào người, bà nghỉ việc, đi nhặt ve chai kiếm sống.

Từng có chồng, một mái ấm riêng nhưng rồi tai họa lại ập đến, bà Yến mất con đến 2 lần. Nỗi đau chưa nguôi ngoai, thì năm bà 40 tuổi, người chồng cũng đột ngột qua đời. Kể từ đó, bà Yến bơ vơ, lắt lẻo hè đường.

Khoảng 20 năm trước, bà Yến nhận nuôi một bé trai có mẹ ruột vướng vòng lao lý. Khi đó, địa phương đã gợi ý bà đưa thằng bé vào viện mồ côi nhưng bà không nỡ, cố rau cháo nuôi con đến khi trưởng thành. Giờ đây người con nuôi có gia đình mới.

"Gia đình vợ nó giàu có nên đâu rước tôi về ở chung được. Thỉnh thoảng thằng bé vẫn tới cho tôi tiền, hỏi thăm mẹ nhưng toàn phải đi lén thôi", bà Yến nghẹn ngào.

Sau mấy chục năm nhặt ve chai, bà Yến phải chuyển sang ngồi một chỗ bán vé số vì chân đau nhức, tay lở loét. Những ngày mưa, bà bán từ sáng sớm đến tận khuya.

Nhiều lúc ngồi bán vé số, nhìn gia đình người khác đi tập thể dục, bà lão không nén được nước mắt tủi thân. "Nhìn người ta có gia đình trọn vẹn, tôi ghen tị lắm. Tôi cô đơn hơn 50 năm qua, giao thừa hay Mùng 1 Tết đều ngồi ở đây bán. Thành ra quen rồi", bà Yến tâm sự.

Cầm chiếc điện thoại di động trên tay, bà khoe được một thanh niên tặng 5 năm trước. Cuộc sống nương vỉa hè, nhờ tình cảm người dưng như vậy trôi qua từng ngày.

Theo đại diện UBND phường Tân Thuận Tây (quận 7, TPHCM), bà Yến sống neo đơn trong căn trọ đã lâu, tự đi bán vé số nuôi sống bản thân.

"Bà Yến không có hộ khẩu, giấy tờ tùy thân nên không được hưởng chế độ hỗ trợ của địa phương. Chúng tôi có đề nghị giúp đỡ nhưng bà Yến nói có thể tự xoay xở được", người đại diện chính quyền địa phương nói./.

(Theo dantri.com)