Bên mẹ là hạnh phúc

Người đàn ông ấy bên ngoài là giám đốc một công ty xây dựng. Khi về nhà ông luôn sẵn sàng xắn tay áo làm tất cả những gì tốt nhất cho mẹ như đút từng thìa cơm, đưa mẹ đi vệ sinh hoặc diễn đủ vai cho mẹ xem.

Mẹ ông Hương là cụ Ninh Thị Còi, 97 tuổi. Theo lời ông Hương, năm cụ 86 tuổi vẫn nấu được cơm, vẫn dùng điện thoại gọi cho từng con. Khi bước sang tuổi 87, cụ có biểu hiện lẫn đó là không làm chủ được việc đi vệ sinh. "Lần đó mẹ đi ngay ở cầu thang, tôi biết lúc đó mẹ đã lần" - ông Hương nhớ lại

"Anh có đi không?"

"Đây con của u chứ không phải là anh, cũng không phải là cậu"

"Tôi gọi là cậu đấy chứ"

"Con là con của u"

"Là con à"

"Vâng"

Đoạn hội thoại khiến nhiều người xúc động. Rồi sẽ đến một ngày, người sinh thành ra ta đã không nhận ra những người con của mình.

"Người già lẫn có nhiều kiểu lẫn. Có thể là lẫn không làm chủ được bản thân, khóc, quậy phá, ăn rồi bảo chưa ăn... nhiều tình huống lắm. Không ai mong muốn người cha người mẹ như thế. Nhưng khi người cha người mẹ như thế thì nên xem đó là kỷ niệm và nâng niu kỷ niệm đó thì câu chuyện sẽ rất là vui" - ông Hương nói với phóng viên VOV2. Với ông, được ở bên mẹ là hạnh phúc.

Nghe ông Hương chia sẻ tại đây:

"Em bé U"

11 giờ trưa, ông Hương đi làm về. Cụ Còi ngồi trên giường ở tầng 2 khóc nức nở.

Người giúp việc kể, cụ bảo "anh Hương anh ấy đánh tôi". Ông Hương cười xòa "Em bé u đang dỗi đấy" rồi ông vội vã lên phòng của mẹ.

"Thơm con cái nào"

"Thơm bên này nữa"

"Thơm mùi gì?"

"Mùi mít"

"Mít mật"

Thế là cụ hết khóc. Sau màn dí dỏm nịnh nọt của con trai, cụ Còi vịn cầu thang từ tầng 2 xuống tầng 1 để ăn cơm. "Ăn cơm để chiều em bé u đi học nhé"- ông Hương nói với mẹ.

Cầu thang được gia đình ông Hương lót thảm để hàng ngày cụ vịn từng bước lên xuống. "Người già ngồi một chỗ ít vận động, xương khớp sẽ cứng lại. Tôi làm thế để mỗi ngày mẹ vận động" - ông Hương giải thích.

Mỗi khi mẹ dỗi không ăn, ông lại kiên nhẫn "nịnh" mẹ là ăn no thì mới đi học được. Lớp học thực chất là những buổi sinh hoạt hội người cao tuổi trong khu phố hoặc một buổi gặp mặt các cụ. Ông Hương nói với người giúp việc cắt giấy tặng cụ giống như là bé ngoan.

"Mẹ giống như em bé, mình phải kiễn nhẫn và tĩnh tâm" - theo ông Hương, sự tĩnh tâm mới giải quyết được. "Mình phải xoay xở nhiều vai, khi thì như là bạn, khi thì là con, khi thì là bác sĩ tâm lý của mẹ" - sự kiên trì của ông đã khiến tình huống lú lẫn của mẹ trở nên nhẹ nhõm hơn.

Nhóm phóng viên VOV2 đã cùng với nhạc sĩ Lê Tâm đến thăm và chúc Tết cụ Còi trong dịp xuân Quý Mão. Nghe cuộc gặp gỡ tại đây:

Người xưa có câu nói “Trẻ cậy cha, già cậy con” nhất là khi cha mẹ bị lú lẫn. Lú lẫn là sự suy kém về trí tuệ, hay bị lẫn, lãng quên và không còn khả năng suy nghĩ một cách sáng suốt như thường lệ. Người bệnh trở nên mất phương hướng, ngơ ngác. Họ quên cách gọi thông thường về người và sự vật. Họ cũng quên luôn cả cách tự chăm sóc hàng ngày như tắm rửa, đánh răng, ăn cơm, mặc quần áo. Họ hành động giống như một em bé mới lớn, bỗng chốc vui, bỗng chốc buồn, rồi cũng vô cớ giận hờn, bướng bỉnh, gắt gỏng với người thân, người chăm sóc.

Trong hoàn cảnh này, cha mẹ hoàn toàn trông cậy, phụ thuộc ở con cháu. Vậy hãy dành cho cha mẹ lú lẫn sự chăm sóc chân tình, chu đáo, để khỏi rơi vào cảnh “cha mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”./.