Ai đến cuộc đời này rồi cũng có ngày lên chuyến tàu cuối cùng và rời đi.
Nghe tại đây:
Tạm biệt “một nửa”
Tận hưởng tuổi hưu được vài năm, vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng ở phường Thanh Lương, quận Hai Hai Bà Trưng, Hà Nội đón nhận một cú sốc lớn. Bà bị ung thư di căn. Sau vài năm chạy chữa, bà cũng nắm tay ông lần cuối rồi đi một chuyến thật xa.
Ông Dũng không khóc bao giờ kể từ ngày bà bệnh. Cứ tận tụy bên bà nhiều nhất có thể. Chỉ khi lo cho bà yên ổn, những trống vắng mới hiện lên rõ rệt. "Chông chênh lắm, hẫng hụt lắm. Ba tháng sau khi bà mất, khi đi ngủ tôi vẫn gọi trong vô thức "Muộn rồi đi ngủ thôi em". Ngoảnh lại chỉ có mình mình" - ông Dũng chia sẻ.
Câu chuyện được kể lại khi thời gian đã là liều thuốc có thể xoa dịu mọi nỗi đau. Ông Dũng tự nhận mình là người bản lĩnh và quan trọng hơn là có con cái luôn ở bên. Ngay sau khi bà mất, gia đình cô con gái cả đã dọn về với bố. Hàng ngày, ông đưa đón các cháu đi học.
Khi cô đơn, thứ họ cần duy nhất đó chính là có người để cùng họ tâm sự tuổi già. Bên cạnh đó, người già thường có xu hướng không muốn kết bạn mới. Chính điều này khiến cho tỉ lệ người cao tuổi cô đơn có xu hướng cao hơn những lứa tuổi khác.
Chị Phạm Thu Hương ở Nam Định cho biết, con cái cần phải chuẩn bị tinh thần cho bố hoặc mẹ - là người ở lại để không bị sốc trước sự ra đi của người bạn đời.
"Bố mẹ tôi sống rất tình cảm với nhau mấy chục năm. Khi bố bị bệnh, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần và luôn nói với mẹ phải lạc quan, cả nhà không ai bi lụy. Khi bố mất, chúng tôi xem như đó là chuyến đi chơi xa của bố" - chị Hương kể.
Nhà chị Hương toàn con gái đã yên bề gia thất. Dẫu là vậy nhưng không thể để mẹ ở một mình khi ông vừa ra đi. Gia đình chị gái ở gần mẹ nhất nên đã về ở với mẹ. Con cháu ở xa cuối tuần lại về thắp hương cho ông và quây quần bên mẹ. "Chúng tôi nói những câu chuyện rất vui vẻ, vẫn nhắc những kỷ niệm đẹp về bố…"
Làm gì để người già bớt cô đơn
Niềm vui từ con cháu là động lực để người già bớt cô quạnh. Còn với ông Dũng, còn sức khỏe và trí tuệ, sau khi ổn định cuộc sống đơn thân, ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Ông đã có 4 nhiệm kỳ làm tổ trưởng tổ dân phố. "Tham gia nó vui, bớt ỳ trệ" - ông Dũng nói. Ông cũng không chọn đi bước nữa, chỉ muốn bình yên tận hưởng tuổi già bên con cháu.
Động viên mẹ tham gia các hoạt động trong khu dân cư là cách chị Hương đang làm. "Khi bố còn sống, mẹ tôi là người phụ nữ chăm lo chu toàn cho gia đình. Bố là người đối ngoại. Sau khi bố mất, chúng tôi không muốn nhìn mẹ khép mình nữa".
Chị em trong gia đình chị Hương còn thay nhau dạy mẹ các sử dụng điện thoại thông minh để gọi video gặp con cháu. "Chúng tôi gọi nói chuyện với mẹ nhiều hơn so với trước đây" - chị Hương tâm sự.
***
Chúng ta chưa bước đến chặng đường ấy hoặc chưa từng chăm sóc người già, chưa từng thấy người già neo đơn sống ra sao nên nghĩ đơn giản y như hồi nhỏ: "sau này lớn lên mình sẽ đi làm kiếm thật nhiều tiền, làm những điều mình thích, thực hiện ước mơ". Tuổi già không còn thời gian để nói “sau này mình sẽ”, mà ước mong duy nhất là có người bên cạnh để bớt cô đơn./.