Để góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần, người cao tuổi quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội đã thành lập Câu lạc bộ thơ ca người cao tuổi. Hội viên câu lạc bộ đều là những người già, nhưng tâm hồn vẫn bay bổng và có niềm yêu thích đặc biệt với thơ ca. Mời các cụ và quý thính giả cùng nghe hơi thở cuộc sống qua những vần thơ của người cao tuổi quận Cầu Giấy.

Tác giả Phương Kim Cúc đến với thơ bằng tình yêu và sự đam mê. Với bà, thơ ca là người bạn tâm tình, bởi bao buồn vui, tự tình bà gửi gắm hết vào thơ. Bài thơ có tựa đề “Thơ say” của bà với lời thơ mộc mạc, dung dị nhưng giàu cảm xúc như nói lên tiếng lòng của người cao tuổi:

Say thơ dưới tán lá bàng

Thu hoàng hôn tím trăng vàng vào thơ

Một trời mơ mộng mộng mơ

Nắng qua kẽ lá nô đùa nhảy quanh

Bao tia nắng đẹp mỏng manh

Vươn trên mái tóc long lanh tuyệt vời

Chiều hoàng hôn tím người ơi

Nắng đi nắng lại thả rơi chút tình

Bên nhau như bóng với hình

Lời thơ kết nối giữa mình với ta

Thơ là bao nét tinh hoa

Với bao nốt nhạc chan hòa yêu thương

Tuổi già đã trải qua gần cả cuộc đời với biết bao trải nghiệp về sự đời, về con người. Thế nên người già thường biết bằng lòng với những gì đang có và tìm kiếm sự an yên trong tâm hồn. Yêu thơ nên tác giả Hoàng Sắc đã hòa quyện mạch cảm xúc trong thơ qua bài “Gửi vào đâu”. Bài thơ chất chứa những cảm xúc và sự chiêm nghiệm về cuộc đời của chính tác giả:

Viết rồi biết gửi ai đây

Để buồn con chữ để gầy tóc mai

Bao buồn vui tháng ngày xin gói trọn

Gửi vào thơ cho vơi nỗi thương sầu

Người xa rồi em đi mãi về đâu

Ngày trở lại căn nhà xưa trống vắng

Những ngọt bùi và nỗi niềm cay đắng

Nỗi đau đời biết chia sẻ cùng ai

Ngày chúng mình cứ hò hẹn một hai

Tình đã khép nhưng lòng còn trăn trở

Tác giả Nguyễn Hữu Long thì lại cảm nhận: Trên thế gian, người ta thường có nợ mới có duyên, duyên của thế gian đến như một sự nhân quả. Con người nếu có duyên thì sẽ gặp được nhau. Thế nên ông sáng tác bài “Nợ thơ” để nói lên cái duyên khi đến với thơ ca. Bắt nguồn từ sự rung động của tác giả, bài thơ mang đến cho người đọc một cảm xúc mãnh liệt về thơ:

Tiền vàng tôi chẳng nợ ai

Nợ duyên cũng có một vài người thương

Giữa phồn hoa chốn thương trường

Nợ nần chẳng vướng thẳng đường ta đi

Đời ta mang nợ rất kỳ

Bao thơ bạn tặng cất đi để dành

Nợ hơn cả nợ ba sinh

Bao giờ trả hết để mình hiểu ta

Nợ nhiều mái tóc phôi pha

Trải hồn ngồi véo thơ ra trả dần

Với tác giả Nguyễn Hữu Hồng, sáng tác thơ, ngâm thơ, bình thơ, từ lâu đã trở thành thú vui tao nhã trong cuộc sống thường nhật. Trong bài “Thơ đời”, góc nhìn độc đáo, hóm hỉnh về cuộc sống được ông Hồng thể hiện trong từng câu chữ, lời thơ nhẹ nhàng, tự nhiên:

Thơ đời đằng đẵng chơi vơi

Bỏ đi tâm vẫn lệ rời xót xa

Lang thang ngớ ngẩn không nhà

Đem chôn nó xuống đâu ngờ khói lan

Lửa tình rực cháy non ngàn

Dòng sầu muôn chảy cho tan lửa hồng

Sông quê nước đỏ mấy trăm

Để cho thơ cứ lòng vòng chảy theo

Thuyền trôi vì chẳng có neo

Thơ đời ấm ức cứ gieo thêm vần

Tuổi già sống để cảm nhận và ghi lại những hình ảnh đẹp còn sót lại cuối đời người. Thông qua bài “Tự Bạch”, bà Minh Lê cảm nhận cuộc sống thật tươi đẹp và muôn màu muôn vẻ:

Mượn những trang thơ trải nỗi lòng

Da mồi hình liễu má chưa nhăn

Bạch kim làn tóc môi còn thắm

Vẫn thích chu du chẳng ngại ngần

Nghĩa nước một thời luôn trọn vẹn

Tình nhà muôn thuở vẫn lưu hương

Yêu thơ quý bạn lòng trong sáng

Cố gắng trau dồi đẹp nghĩa nhân

Bằng những câu chữ nhẹ nhàng, văn phong mượt mà, các tác giả cao tuổi đã gửi trọn tâm tư và những tâm sự tuổi già để cảm thấy cuộc đời thật đáng sống và nhiều điều ý nghĩa./.