Ai cũng mong có sức khỏe tốt để được ăn Tết, chơi Tết cùng người thân và bạn bè. Với những người khỏe mạnh, thực hiện ước mơ này không có gì là khó nhưng với những người sức khỏe yếu, nhất là người cao tuổi đã có bệnh lý mạn tính thì lại là việc không đơn giản. Ông Trần Thiện Thuật ở phố Quán Thánh, Hà Nội bị bệnh huyết áp và đái tháo đường hơn 10 năm. Vốn dĩ ngày thường các chỉ số đều tốt, thế nhưng cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, tinh thần phấn khởi, ông lại “thả mình” ăn uống thoải mái. Thế nên, ra Tết, sức khỏe thường hay giảm sút. “Năm ngoái, sau tết, bẵng đi 3-4 tháng tôi lới lỏng ăn uống, con cháu đến thì liên hoan, ăn hơi nhiều thịt cá, thèm quá lại làm vài cốc bia, thế là đường huyết lại tăng. Lúc vào Bệnh viện 108, bác sĩ bảo nằm viện ngay vì có hiện tượng biến chứng” – Ông Thuật cho biết.

Theo ghi nhận từ Bệnh viện Lão khoa TW, mỗi dịp ra Tết, số người cao tuổi đến khám và nhập viện thường tăng, chủ yếu là do các bệnh mạn tính như huyết áp, đái tháo đường, gút… chuyển biến nặng, thậm chí là xuất hiện biến chứng. Để phòng ngừa bệnh tái phát trong dịp Tết, theo Ths.BS Nguyễn Liên Hạnh – khoa dinh dưỡng – BV Lão khoa TW, ngoài việc tuân thủ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người cao tuổi nên duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp, hoạt động thể lực hợp lý.

Ngày Tết, nếu ăn quá nhiều đồ nếp, bánh kẹo… sẽ làm tăng đường máu ở bệnh nhân đái tháo đường. Bệnh nhân gút nếu ăn quá nhiều thịt, cá, nước canh măng sẽ làm tăng những cơn đau khớp cấp tính. Tương tự, bệnh nhân tăng huyết áp sẽ khó có thể kiểm soát được huyết áp nếu ăn nhiều thức ăn có nhiều muối như giò, chả, dăm bông, thịt hun khói, dưa, hành muối…

Chế độ ăn ngày Tết cần cung cấp đủ năng lượng, cân đối các nhóm thực phẩm gồm nhóm: đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Chất béo chiếm khoảng 55-60% năng lượng, chất đạm 14-16%, chất béo 20-25% và chú ý cung cấp đủ 200-300gr rau xanh; 200-300gr quả chín/ngày, đặc biệt phải tuân thủ các nguyên tắc chế độ dinh dưỡng cho bệnh lý nền đang mắc” – Ths.BS Nguyễn Liên Hạnh khuyến cáo.

Trong các buổi sum họp gia đình người cao tuổi cũng nên hạn chế rượu bia bởi rượu bia có thể gây hạ đường huyết hoặc làm khởi phát các cơn gút cấp, ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch… Ngoài chế độ ăn, người cao tuổi bị bệnh mạn tính nên duy trì hoạt động thể lực tối thiểu 30 phút/ngày, có thể là đi bộ hay đạp xe, cường độ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe để hỗ trợ cân bằng năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao, giảm nguy cơ tăng cân, tăng đường huyết và hỗ trợ kiểm soát các bệnh mạn tính khác.