Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Bao năm qua, tự hào về nơi đã sinh ra vị anh hùng của dân tộc bao nhiêu thì người cao tuổi nơi đây càng nêu cao ý thức học tập và làm theo tấm gương của Bác bấy nhiêu. “Tôi luôn tự răn mình phải sống làm sao cho xứng đáng là người con của quê hương Nam Đàn”, ông Trần Văn Tiếp tâm sự.

Tâm niệm như vậy nên trong cuộc sống hàng ngày, ông Tiếp luôn cư xử rất đúng mực với bà con chòm xóm. Cùng với đó là lối sống bình dị, khiêm tốn. Ông chia sẻ, càng tìm hiểu ông càng thấy rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh là người “vĩ đại từ những điều giản dị”. Chính vì thế, không chỉ noi gương Bác, sống giản dị, chân thành, ông còn khuyên răn con cháu thực hành lối sống đó. “Tôi luôn nhắc nhở con cháu và người thân của mình phải sống chân thật, giản dị và khiêm tốn, đây là đức tính cần thiết dù sống ở bất cứ đâu”, ông Tiếp cho biết.

Sống trên quê hương Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Mạnh Tuyên từng nhiều lần đến thăm ngôi nhà tranh giữa thiên nhiên - nơi sinh thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cũng đôi lần ra Hà Nội, vào thăm ngôi nhà sàn đơn sơ trong Phủ Chủ tịch nên càng cảm nhận rõ hơn lối sống thanh đạm của Bác. Rồi không nhớ từ khi nào, ông Tuyên thực hành lối sống giản dị, tiết kiệm mỗi ngày. Chưa dừng lại ở đó, học Bác, ông còn tích cực tham gia việc trồng cây, gây rừng như Bác từng căn dặn “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. “Từ nhiều năm nay, tôi hưởng ứng phong trào trồng cây xanh của địa phương bằng cách trồng cây ở ven đường, khu vực công cộng….Ở nhà, tôi trồng cây trong vườn của mình”, ông Tuyên cho biết.

Ông Tuyên tâm sự, những lúc rảnh ông vẫn thường xuyên đọc sách, tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua những bài báo, trang viết, ông nhận thấy những lời dạy của Bác năm xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đơn cử như việc Bác coi “đói nghèo cũng là một thứ giặc”. Theo ông Tuyên, ngày nay, được sống giữa hòa bình, hội nhập mà vẫn nghèo đói là có lỗi với Bác. Tâm niệm như vậy nên ông Tuyên còn động viên con cháu luôn chăm chỉ, nỗ lực trong lao động và học tập.

Tương tự, từ khi còn trẻ, ông Trần Ngọc Bích đã biến niềm tự hào về quê hương Nam Đàn - nơi sinh thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những hành động nhỏ, thiết thực mỗi ngày. Kết quả là ông đã trở thành một phi công xuất sắc, từng được Đảng và Nhà nước tin tưởng, giao nhiều trọng trách. Đến lúc nghỉ hưu, trở về đời thường, ông lại trở thành một người cha, người ông mẫu mực. Ngẫm lại những gì đã trải và có được, ông Bích thấy rằng việc học Bác từ những điều giản dị đã giúp ông có được những kết quả hơn cả sự mong đợi của bản thân. Chính vì thế, ông Bích luôn dăn dạy con cháu, dù ở thời buổi nào vẫn cần học tập, áp dụng những lời dạy của Bác vào cuộc sống. “Trong cơ chế thị trường ngày nay, nhiều khi người ta coi trọng đồng tiền quá. Tôi phải thường xuyên nhắc nhở con cháu mình làm gì cũng phải theo quy định của pháp luật, làm ăn chân chính, sống trong sạch và phải giữ cho được phẩm chất đạo đức tốt đẹp”, ông Bích chia sẻ.

Cứ như vậy, không chỉ riêng ông Bích, ông Tuyên và ông Tiếp, bao năm qua, lớp lớp người cao tuổi ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An luôn tự hào về quê hương mình - nơi sinh thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Rồi từ niềm tự hào ấy, các cụ biến thành những hành động nhỏ nhưng thiết thực, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và văn minh hơn.

Nghe bài viết dưới đây: