Gần hơn trong thế giới ảo, xa hơn trong thế giới thật

Trong vài năm trở lại đây, điện thoại di động và các thiết bị điện tử không chỉ đơn thuần là phương tiện liên lạc, mà nó còn trở thành một công cụ thiết yếu để mỗi người tiếp cận với thế giới xung quanh thông qua các ứng dụng mạng xã hội và ứng dụng trò chơi trực tuyến. Song song với việc các thiết bị điện tử đã trở thành tất yếu trong việc tạo ra môi trường kết nối rộng lớn, cho phép mọi người dễ dàng tiếp cận thông tin và tăng cơ hội liên lạc, gắn kết với nhau. Vì thế mà chúng có khả năng gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý của mỗi người, cũng như mối quan hệ giữa người với người trong đời sống hàng ngày. Giờ đây, sự cô đơn không chỉ là vấn đề của người cao tuổi mà còn lan rộng đến cả thế hệ trẻ, trở thành vấn đề đáng lo ngại trong xã hội hiện đại ngày nay. Dưới ánh sáng của màn hình điện tử ấy, cả người trẻ lẫn người già đều đối mặt với những cảm giác cô đơn khác nhau.

Theo báo cáo của Vnetwork - Công ty tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam, tính đến đầu năm 2023, số lượng người dùng internet tại nước ta đạt 77,9 triệu người, tương ứng với 79,1% tổng dân số. Trong đó, số lượng người sử dụng di động để kết nối internet chiếm tới 94,5% và phần lớn đối tượng trên nằm trong lứa tuổi từ 18 đến 34, tức tầng lớp lao động trẻ của nước ta. Ngược lại, Báo cáo Tổng quan phát triển kỹ thuật số Việt Nam 2021 cho thấy, chỉ khoảng 12% người cao tuổi nước ta sở hữu điện thoại thông minh, và khoảng 6% trong số đó sử dụng máy tính cá nhân. Có thể thấy được, sự chênh lệch giữa độ tuổi và khả năng, tần suất thiết bị điện tử giữa hai nhóm tuổi đã góp phần gây ra sự thiếu kết nối đáng quan ngại giữa hai thế hệ này, cũng như giữa những người trong cùng thế hệ ấy.

Mỗi thế hệ một nỗi cô đơn riêng

Là thế hệ tiên phong của thời hiện đại, người trẻ bắt kịp với sự tiến bộ của công nghệ số một cách nhanh chóng, tự nhiên nhất và tận dụng được tối đa mọi khía cạnh của chúng để phục vụ, cải tiến đời sống của mình. Song cũng vì vậy mà thế hệ trẻ có xu hướng bị chi phối, phụ thuộc vào mạng xã hội và các thiết bị điện tử cao.

Theo nghiên cứu của GS.TS tâm lý học Jean Twenge tại Đại học bang San Diego, Mỹ, tác giả của cuốn sách nổi tiếng nghiên cứu về lối sống, thói quen và giá trị của người trẻ Mỹ sinh từ năm 1995–2012 “iGen”, thế hệ trẻ ngày nay không có nhiều giao tiếp xã hội thức tế nhiều như các thế hệ trước. Nghiên cứu trên cũng chỉ ra mối quan hệ giữa sự cô đơn của người trẻ tuổi và tần suất sử dụng mạng xã hội của họ. Cụ thể, những thanh thiếu niên có tần suất giao tiếp, tương tác ngoài đời thực với bạn bè cao được chứng minh là ít cảm thấy cô đơn dưới tác động bởi mạng xã hội. Họ chỉ sử dụng mạng xã hội như một công cụ để giao tiếp và liên lạc với bạn bè của mình mà không bị phụ thuộc vào nó. Ngược lại, người trẻ có ít tương tác đời thực hơn được báo cáo là sử dụng mạng xã hội nhiều hơn, song song với việc họ có tần suất sử dụng mạng xã hội cao hơn. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ rằng, thời gian sử dụng mạng xã hội liên tục và quá mức có liên quan mật thiết đến cảm giác cô đơn và bất an, lo lắng ở nhóm đối tượng này.

Nguyễn Xuân Bách, 20 tuổi, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, chia sẻ, từ ngày điện thoại thông minh được sử dụng nhiều hơn cũng là lúc Bách và những người bạn của mình không còn quan tâm nhiều đến nhau nhiều như trước nữa và dần thu mình lại sống trong thế giới ảo của mỗi người. Trong các bữa ăn hay buổi đi chơi của nhóm bạn, những lời tâm sự, hỏi thăm như: "Dạo này bạn cảm thấy thế nào", "trên trường có chuyện gì vui không", “sức khoẻ dạo này thế nào”... càng ít dần đi. Thay vào đó là những khoảng lặng, khi ai cũng chìm đắm trong chiếc điện thoại riêng của mình để mải mê chụp ảnh bản thân cùng các món ăn để “sống ảo” trên mạng xã hội, hay thậm chí tán gẫu với những người bạn ở nơi khác qua tin nhắn mà bỏ qua những người đang ngồi đối diện mình, … Dần dần, những buổi tụ họp bạn bè ngày càng mất đi giá trị. “Nhiều khi đi chơi về rồi, em vẫn chẳng cảm thấy vui hơn, vì cả buổi chẳng ai nói với nhau câu nào, chỉ chăm chăm nhìn vào cái điện thoại và bên nhau trong ... im ắng. Dù ở đông người là thế nhưng em vẫn cảm thấy cô đơn hơn cả khi ở một mình" - Bách bày tỏ.

Trần Trúc Linh, 19 tuổi, sinh viên khoa Tâm lý học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ, trước khi giúp những người bạn thoát khỏi “cơn nghiện điện thoại di động”, bản thân Linh cũng đã từng rất buồn khi đi chơi cùng bạn bè, nhưng thay vì nói chuyện với mình, người bạn ấy lại lựa chọn sử dụng điện thoại để nhắn tin với người khác. “Em nghĩ rằng, nếu bạn mình sử dụng điện thoại thay vì nói chuyện với mình bởi họ đang có việc quan trọng thì không sao, nhưng nếu chỉ để chat chit với người khác thì em sẽ cảm thấy phần nào hụt hẫng” – Linh tâm sự.

Không chỉ người trẻ, người già cũng đang phải đối mặt với vấn đề đáng quan ngại trên. Theo báo cáo “Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 - Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam” của Tổng cục thống kê, nước ta hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,86% dân số. Từ năm 1989 đến năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi lên 73,6 tuổi, dự báo đến năm 2030, số người cao tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 17% và đến năm 2050 là 25% dân số. Song chỉ số ít người cao tuổi có cơ hội tiếp cận và sử dụng được các thiết bị công nghệ số. Hệ quả là, công nghệ đã trở thành rào cản ngăn cách người cao tuổi hòa nhập với xã hội hiện đại, làm nghiêm trọng hơn sự cô đơn của họ ở tuổi xế chiều.

Bà Nguyễn Thị Lãi, 74 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội, kể, thời gian gần đây bà luôn mong được chuyển về quê sống vì luôn cảm thấy cô đơn khi ở nhà. Cả ngày ở nhà cùng con cháu nhưng bà khó có dịp ngồi xuống cùng các con trò chuyện, bởi ai cũng đi sớm về khuya, và cứ khi nào rảnh là lại thấy dùng điện thoại, chẳng còn hình ảnh gia đình thân mật như những ngày trước nữa. Bữa ăn nhà bà giờ đây ít hơn những lời hỏi thăm hàng ngày vì con cháu đều tập trung điện thoại, màn hình ti vi. Ăn xong, mỗi người một phòng chẳng giao tiếp với ai. Bà kể, nhiều lúc bà cũng muốn học cách sử dụng điện thoại thông minh để tiện bề liên lạc, gần gũi hơn với con cháu, nhưng vì nhiều thao tác phải nhớ, quá khó sử dụng, bà lại thôi. “Mỗi lần như thế, tôi lại muốn chuyển về quê sống, vì dù cho ở trên này có con có cháu đủ đầy, nhưng tôi cảm giác nhà cửa cứ ngày một lạnh lẽo, yên lặng dần đi, cũng chẳng biết cách nào để gần hơn với con cháu.” – bà Lãi kể.

Đẩy lùi nỗi cô đơn thời đại công nghệ 4.0

Sự cô đơn trong thời đại công nghệ giờ đây không chỉ phụ thuộc vào độ tuổi mà còn liên quan đến mức độ kết nối thực tế giữa người với người. Dù là người già hay người trẻ, vấn đề này đều đang trở nên đáng quan ngại hơn bao giờ hết.

Trong những lúc con cháu đi làm xa, cả nhà chỉ có một mình bà, bà Lãi đã tìm lại được niềm đam mê với việc đan len của mình. Rảnh rỗi, bà lại lấy len ra sân, vừa đan vừa trò chuyện với bà con hàng xóm. “Cứ chiều đến tôi lại xuống sân đan len, vừa để cho đầu óc mình minh mẫn hơn, vừa để có người trò chuyện cho vơi bớt đi nỗi cô đơn ở nhà” – bà Lãi chia sẻ.

Để bắt kịp với con cháu, bà cũng chủ động từng bước học cách sử dụng điện thoại thông minh. Đối với mỗi thao tác mới, bà đều nhờ cháu hướng dẫn, rồi lại cẩn thận ghi lại vào sổ để tránh bị quên. Dần dần, các cháu của bà cũng chủ động hơn trong việc trò chuyện với bà và tích cực hướng dẫn bà sử dụng nhiều ứng dụng, mạng xã hội mới.

Đan len không chỉ là cách vượt qua nỗi cô đơn của nhiều người cao tuổi. Trúc Linh chia sẻ, đối với thế hệ trẻ, để tự mình vượt qua sự phụ thuộc vào công nghệ và học cách xóa đi nỗi cô đơn của bản thân, điều cần làm đầu tiên là tìm ra sở thích, cách giải trí lành mạnh mà không phụ thuộc vào công nghệ để giúp bản thân cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn, đồng thời thanh lọc bản thân khỏi luồng ánh sáng xanh chiếu liên tục từ thiết bị điện tử như: làm bánh, nấu ăn, đọc sách truyện tranh, đan móc len, làm đồ thủ công, hay thử học một ngôn ngữ, kĩ năng mình thích,... “Khi đã biết cách tự “sạc năng lượng tích cực” cho chính mình, giúp bản thân cảm thấy vui vẻ và thoải mái thật sự thì em nghĩ rằng, mỗi người sẽ không còn cảm thấy cô đơn khi ở một mình nữa, mà thay vào đó là tìm được sự bình yên trong sự độc lập ấy” – Linh tích cực chia sẻ.

Đồng thời, để cùng vượt qua sự cô đơn gây ra bởi công nghệ số, Linh còn cùng bạn đặt ra những quy tắc riêng cho mỗi buổi đi chơi của nhóm bạn. “Khi gặp mặt, cả nhóm chúng em đều có quy tắc tắt thông báo điện thoại, để vào túi xách và dành toàn bộ thời gian đó để nói chuyện, tâm sự với nhau. Nếu bạn có vô tình sử dụng điện thoại để làm việc khác trong lúc chúng em đi chơi cùng nhau, em sẽ thẳng thắn nói với họ về việc em cảm thấy không thoải mái với điều ấy và cùng nhau đặt điện thoại xuống để tiếp tục cuộc trò chuyện.” – Linh thẳng thắn chia sẻ.

Đây cũng chính là một lời khuyên hữu ích mà GS.TS Twenge đề cập trong cuốn sách “iGen” của mình. Theo bà, không chỉ áp dụng cho nhóm bạn, để giúp xóa đi nỗi cô đơn của cả thế hệ già và trẻ, gia đình có thể cùng đặt ra những quy tắc chung về thời gian tối đa sử dụng điện thoại, cũng như đặt khung giờ mỗi ngày để cả gia đình cùng đặt điện thoại xuống và nói chuyện, quây quần bên nhau thay vì chìm đắm trong thế giới ảo. “Cha mẹ cũng nên động viên con mình đi chơi, gặp mặt bạn bè nhiều hơn thay vì bắt con ở nhà. Điều này sẽ giúp con giảm nguy cơ cảm thấy cô đơn và mắc phải chứng trầm cảm, cũng như cải thiện sức khỏe tinh thần và tạo dựng cho con những mối quan hệ bạn bè tốt đẹp” - GS.TS Twenge khuyên.

Tóm lại, để vượt qua nỗi cô đơn trong thời đại công nghệ số, mỗi thế hệ dù già hay trẻ đều cần cùng nhau cố gắng kết nối nhiều hơn với những người xung quanh mình. Đối với người già, sự đồng hành, giúp đỡ của người trẻ tuổi trong việc học cách sử dụng các thiết bị điện tử sẽ tạo cơ hội quý giá để giúp họ bắt kịp được thời đại mới, cũng như xóa đi khoảng cách giữa hai thế hệ. Bên cạnh đó, đối với người trẻ, việc tận dụng chính các thiết bị điện tử và mạng xã hội là cách nhanh nhất để xóa đi nỗi cô đơn của họ. Tham gia các cộng đồng trực tuyến với những người có chung sở thích, sở trường hoặc mục tiêu như các diễn đàn, nhóm Facebook, trang web chia sẻ kiến thức hoặc blog cá nhân,... đều là những cách hữu hiệu để tạo ra mối quan hệ mới và giảm bớt nỗi cô đơn của người trẻ. Quan trọng nhất, cả người già và người trẻ cần chú trọng việc dành thời gian để gặp gỡ, kết nối và tạo dựng các mối quan hệ trực tiếp hơn nhằm gỡ bỏ nỗi cô đơn của mình và tăng cường trải nghiệm xã hội của mỗi người bất kể độ tuổi.