Ngôi nhà nhỏ trên phố Tô Hiệu, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội của ông Lê Thái Sơn luôn rộn rã tiếng đàn, tiếng sáo – những âm thanh quen thuộc của núi rừng Tây Nguyên. Ông tâm sự: trước kia, quê ông (xã Phương Trung – huyện Thanh Oai, Hà Nội) là nơi dừng chân của nhiều đơn vị bộ đội trước khi vào chiến trường miền nam. Chính tiếng sáo vi vu, dìu dặt của người lính trước khi lên đường đã cuốn hút ông. Vì vậy, ông đã học thổi và tự mày mò làm ra rất nhiều cây sáo để tặng người thân, bạn bè. Không chỉ thổi sáo hay mà ngay từ những ngày đó, ông đã biết cách để tạo ra những âm thanh sống động như tiếng suối chảy, tiếng chim hót. Theo ông, để tiếng sáo, tiếng đàn được hay thì quan trọng nhất là phải lựa chọn được nguyên liệu tốt:

Đất nước hòa bình, ông Sơn về công tác tại Sở Văn hóa tỉnh Hà Tây cũ. Trong những chuyến công tác tại các tỉnh miền núi, ông đã tìm tòi và học hỏi các loại nhạc cụ của đồng bào các dân tộc. Dần dần, kiến thức về các loại nhạc cụ của ông ngày một nhiều. Sau khi về xuôi, ông đã vận dụng và phục chế lại được hầu hết các loại nhạc cụ đó. Đặc biệt ông đã sáng tạo ra cây đàn P’rông cách tân có hình dáng giống mái nhà Rông của đồng bào Tây Nguyên, phím giống với đàn piano. Tất cả đều được làm từ tre, trúc và mỗi khi cất lên, người nghe có thể cảm nhận được âm hưởng hào hùng của núi rừng Tây Nguyên. Với ông Sơn, làm và phục chế các loại nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là các loại nhạc cụ bằng tre, trúc là niềm đam mê không không bao giờ dứt.

Sau nhiều năm công tác trong ngành văn hóa, có một điều khiến ông luôn trăn trở là hiện nay các loại nhạc cụ dân tộc đang ngày càng bị các nhạc cụ điện tử lấn át. Những lúc như vậy ông thấy rất buồn và muốn làm điều gì đó để đưa công chúng đến với nhạc dân tộc nhiều hơn. Vì vậy, ông Sơn quyết định mở lớp dạy thổi sáo miễn phí cho những người có niềm đam mê. Không tiếc thời gian, tiền bạc ông tự tay soạn giáo trình, in đĩa hướng dẫn học sáo, tiêu, đàn, truyền thụ cho học viên những kiến thức nhạc lý cơ bản cốt sao để ngày càng có thêm nhiều người biết đến nghệ thuật dân tộc.

Từ lớp học của ông Lê Thái Sơn rất nhiều người thành danh, như Bùi Công Thơm, giải Nhất độc tấu sáo toàn quốc năm 2008, Nguyễn Thị Trang, Bùi Công Thuyên, Nguyễn Xuân Chung đều đang theo học tại Nhạc viện Quốc gia. Em Nguyễn Xuân Chung chia sẻ "Nhờ có sự dạy dỗ, chỉ bảo ân cần của thầy Sơn từ nhạc lý đến đặc điểm của mỗi loại nhạc cụ dân tộc mà em và các bạn mới có được thành công như ngày hôm nay".

Ông Lê Thái Sơn đang ấp ủ một số dự định sáng tạo những loại nhạc cụ mới và độc đáo để phục vụ người dân. Với ông, niềm vui lớn nhất là được đóng góp công sức, lòng say mê sáng tạo vào việc phát huy bảo tồn các loại nhạc cụ quý giá và độc đáo của cha ông./.