Năm nay, bước sang tuổi 98 nhưng ông Nguyễn Mậu Cổn vẫn mẫn tiệp, tinh anh. Ông nhớ như in, năm 1947, khi đang là cán bộ xã Toàn Lưu cũ (nay là xã Lưu Vĩnh Sơn), ông vinh dự đặt tay lên trái tim mình để đọc lời thề trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc.

Để trở thành người đảng viên, từ năm 1945, lúc vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Mậu Cổn đã hăng hái tham gia đội thanh niên Phan Anh (đội thanh niên tuyên truyền bí mật cho cách mạng). Sau Cách mạng tháng 8/1945 đến năm 1947, ông giữ các chức vụ: ủy viên hội đồng, ủy viên văn hóa xã hội xã Toàn Lưu; cán bộ Huyện ủy Thạch Hà. Cuối năm 1947, vì lý do sức khỏe, ông Cổn buộc phải gác lại những tâm huyết của mình ở cơ quan để về nhà nghỉ dưỡng. Thời gian sau đó, ông tham gia học lớp sơ cấp y tá, đến năm 1954 làm y tá tại Trạm Y tế xã Thạch Lưu cũ (nay là xã Lưu Vĩnh Sơn). Trong suốt thời gian công tác tại trạm y tế, ông Cổn thực sự là một người cần mẫn và trách nhiệm. Ngoài giờ hành chính, hễ có ai cần đến mình, dù phải thức khuya dậy sớm đến mấy, ông cũng sẵn sàng đến từng nhà để giúp đỡ người dân.

Thời điểm chiến tranh ác liệt, ông còn trực tiếp ra trận địa cấp cứu tại chỗ cho các cán bộ, chiến sỹ bị thương. Với nhiều nỗ lực trong công tác, năm 1964 ông được giữ chức vụ Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1986. Ông Cổn kể: “Ngày đó phương tiện kỹ thuật chữa trị không có, tôi cứ tự mày mò, học hỏi để nâng cao tay nghề, chỉ mong sao mình giúp được nhiều người bệnh mà thôi. Sau này, với những kinh nghiệm trong nghề, hễ ai cần tôi cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ”.

Sau khi nghỉ hưu, ông Cổn vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Trong suốt 15 năm (1990 - 2005), ông lần lượt là Phó Chủ tịch và Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã. Bà Nguyễn Thị Tư - con dâu cả của ông Cổn chia sẻ: “Bố tôi là một người luôn hết lòng, hết sức vì công việc. Dù khó khăn, vất vả rất nhiều nhưng ông không bao giờ ca thán hay để các con phải chịu thiệt thòi. Năm 1973, cơn nhồi máu cơ tim khiến mẹ chồng tôi đột ngột qua đời, bố một mình chèo chống nuôi 9 người con trưởng thành.

Về già, ông luôn mẫu mực và căn dặn con cháu đoàn kết, biết sống vì mọi người. Vâng lời ông, các con cháu nay đã lớn khôn, thành đạt. Trong số 18 người con và 30 người cháu dâu rể, 24 chắt thì có 11 người là đảng viên. Con cháu đều tham gia nhiều ngành nghề: bộ đội, công an, giáo viên, công chức; có cháu là cán bộ, lãnh đạo ở Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên & Môi trường…”.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương, ông Cổn không chỉ tự nguyện hiến 30m2 đất vườn để mở rộng đường làng mà còn kêu gọi con cháu tham gia đóng góp hơn 40 triệu đồng xây dựng công trình phúc lợi trên địa bàn. Những ngày cả thôn lao động, mặc dù tuổi cao sức yếu, không làm được gì nhiều nhưng ông vẫn ra trò chuyện, động viên bà con. "Ông Cổn chính là tấm gương mẫu mực để thế hệ lãnh đạo chúng tôi học tập, noi theo và nguyện sống, cống hiến hết mình dưới ngọn cờ Đảng quang vinh', ông Dương Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lưu Vĩnh Sơn bày tỏ.

Nguồn: Báo điện tử Hà Tĩnh