Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng già hóa dân số đang diễn ra một cách nhanh chóng trên toàn cầu. Trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 2010, tuổi thọ trên thế giới đã tăng từ 46 lên 68 tuổi. Trên toàn cầu, có 703 triệu người từ 65 tuổi trở lên vào năm 2019. Khu vực Đông và Đông Nam Á là nơi có số lượng người cao tuổi lớn nhất (261 triệu), tiếp theo là châu Âu và Bắc Mỹ (hơn 200 triệu).
Trong 3 thập kỷ tới, số lượng người cao tuổi trên thế giới dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi, đạt hơn 1,5 tỷ người vào năm 2050. Tất cả các khu vực sẽ trải qua sự gia tăng về quy mô dân số cao tuổi từ năm 2019 đến năm 2050. Mức tăng lớn nhất (312 triệu) dự kiến sẽ xảy ra ở Đông và Đông Nam Á, từ 261 triệu vào năm 2019 lên 573 triệu vào năm 2050. Số lượng người cao tuổi dự kiến sẽ tăng nhanh nhất ở châu Phi, Bắc và Tây Á, từ 29 triệu người năm 2019 lên 96 triệu người năm 2050 (tăng 226%). Dự đoán mức tăng nhanh thứ hai đối với khu vực châu Phi cận Sahara, nơi dân số từ 65 tuổi trở lên có thể tăng từ 32 triệu người vào năm 2019 lên 101 triệu người vào năm 2050 (218%). Ngược lại, mức tăng dự kiến sẽ tương đối nhỏ ở Australia và New Zealand (84%), ở châu Âu và Bắc Mỹ (48%), những khu vực có dân số đã già hơn đáng kể so với các khu vực khác của thế giới.
Trong số các nhóm phát triển, các nước kém phát triển nhất sẽ là nơi sinh sống của hơn 2/3 dân số cao tuổi trên thế giới (1,1 tỷ người) vào năm 2050. Đây là mức tăng nhanh nhất dự kiến sẽ diễn ra ở các quốc gia kém phát triển nhất, nơi dân số từ 65 tuổi trở lên có thể tăng từ 37 triệu vào năm 2019 lên 120 triệu vào năm 2050 (225%).
Có thể khẳng định rằng già hóa dân số là một trong những thay đổi quan trọng nhất trong xã hội. Sự gia tăng về số lượng người cao tuổi ngày càng khẳng định tầm quan trọng của tình trạng già hóa đang diễn ra, mặc dù những thành kiến và phân biệt đối xử về tuổi tác vẫn còn tồn tại.
Thực tế đã cho thấy người cao tuổi đang dần dần được công nhận vì những đóng góp đáng kể của họ trong quá trình chăm sóc liên thế hệ, và tiếp tục tham gia vào đời sống cộng đồng. Người cao tuổi đã trở thành một lực lượng chính trị ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội của mỗi quốc gia. Đặc biệt tại các nước phát triển, các tổ chức của người cao tuổi góp phần đáng kể giúp người cao tuổi có tiếng nói lớn hơn trong việc hoạch định và ban hành các quyết sách của quốc gia.
Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận rằng tình trạng già hóa dân số đặt ra không ít thách thức đối với một thế giới ngày càng hiện đại và hội nhập. Mặc dù vai trò của người cao tuổi ngày càng được khẳng định nhưng việc đối xử và chăm sóc nhóm người này vẫn còn nhiều vướng mắc và không đồng đều giữa các quốc gia.
Theo Liên hợp quốc, tại hầu hết các nước, những người cao tuổi không được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ y tế; và đào tạo về y học lão khoa không đáp ứng đủ so với nhu cầu đối với loại hình chăm sóc đặc biệt này. Thêm vào đó, trong thời gian trở lại đây, nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc lâu dài cho người cao tuổi ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Nếu như trước đây, những dịch vụ này thường được các thành viên gia đình đảm nhiệm thì hiện nay công việc chăm sóc người cao tuổi ngày càng được đảm nhận bởi các chuyên gia y tế.
Ngoài ra, cũng theo Liên hợp quốc, lạm dụng và bỏ bê người cao tuổi là một thực trạng đáng buồn được ghi nhận trên thế giới, ảnh hưởng đến tất cả các mặt kinh tế và xã hội của những người cao tuổi. Việc lạm dụng người cao tuổi có thể tồn tại dưới nhiều hình thức: thể chất, tâm lý, tình cảm, tài chính hoặc do sơ suất, bất cẩn gây nên. Bên cạnh đó, người cao tuổi còn phải đối mặt với các khó khăn như bị cô lập trong xã hội, bị định kiến về tuổi tác, hay sự xói mòn trong mối quan hệ giữa các thế hệ trong một gia đình, một cộng đồng và toàn xã hội...
Phân tích tình hình kinh tế và xã hội hiện tại và sự tham gia của người cao tuổi cũng cho thấy một sự không đồng nhất trong giữa các quốc gia. Trong các khu vực kém phát triển của thế giới, nơi an sinh xã hội và các chương trình hưu trí chỉ được phổ cập đến một số ít lao động thì nhiều người cao tuổi – chủ yếu là nam giới – vẫn phải tiếp tục làm việc do nhu cầu kinh tế đòi hỏi. Trong khi đó, ở các nước phát triển hơn, những người lớn tuổi có mong muốn tiếp tục làm việc lại thường là nạn nhân của sự phân biệt tuổi tác và quy định nghỉ hưu bắt buộc.
Thập kỷ lão hóa khỏe mạnh (2020 – 2030) là cơ hội để tập hợp các chính phủ, xã hội dân sự, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, giới học thuật, truyền thông và khu vực tư nhân để dẫn đầu trong khoảng thời gian 10 năm một hành động phối hợp, xúc tác và hợp tác để cải thiện cuộc sống của người cao tuổi, gia đình họ và cộng đồng nơi họ sinh sống.
Dân số trên toàn thế giới đang già đi với tốc độ nhanh hơn trước đây và sự chuyển đổi nhân khẩu học này sẽ tác động đến hầu hết các khía cạnh của xã hội. Thế giới thống nhất trong Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững: Tất cả các quốc gia và tất cả các bên liên quan cam kết không bỏ ai lại phía sau và bảo đảm rằng tất cả mọi người đều có thể nhận ra tiềm năng của họ trong điều kiện được tôn trọng nhân phẩm, bình đẳng và trong một môi trường lành mạnh.
Vì vậy, một thập kỷ phối hợp hành động toàn cầu về già hóa khỏe mạnh là cần thiết. Hiện đã có hơn 1 tỷ người từ 60 tuổi trở lên, phần lớn sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Nhiều người trong số họ không được tiếp cận với các nguồn lực cơ bản cần thiết để có một cuộc sống có ý nghĩa và phẩm giá. Nhiều người khác phải đối mặt với nhiều rào cản khiến họ không thể tham gia đầy đủ vào xã hội.
Đặc biệt, hiện nay, đại dịch COVID-19 đang có tác động rất lớn đến dân số thế giới. Mặc dù tất cả các nhóm tuổi đều có nguy cơ nhiễm virus, nhưng người cao tuổi có nguy cơ cao nhất và đối mặt với khó khăn lớn nhất, do những thay đổi sinh lý liên quan đến lão hóa và các bệnh có thể có từ trước. Chúng ta thấy rằng tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi nhìn chung cao hơn, nhưng đối với những người trên 80 tuổi, nó thậm chí còn cao gấp 5 lần mức trung bình của thế giới.
Ngoài những hậu quả trước mắt về sức khỏe, đại dịch còn khiến người cao tuổi có nguy cơ bị đói nghèo, bị phân biệt đối xử và bị cô lập, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Do đó, phải hỗ trợ cho người cao tuổi, dưới hình thức tiếp cận an toàn với thực phẩm, thuốc men và tiền bạc, cũng như hỗ trợ xã hội và tâm lý, để họ trang bị tốt nhất có thể trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh mới này, và kiềm chế sự lây lan của nó.
Sức khỏe tâm thần cũng là một yếu tố quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng do đại dịch và việc tìm cách duy trì kết nối xã hội thậm chí còn quan trọng hơn đối với những người lớn tuổi, những người không dễ dàng tiếp cận với các nền tảng kỹ thuật số và do đó vẫn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của cộng đồng, người chăm sóc hoặc gia đình.
Tiềm năng của người cao tuổi là tài sản đáng kể để phát triển bền vững. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần lắng nghe tiếng nói, ý kiến và ý tưởng của họ để xây dựng xã hội hòa nhập hơn và phù hợp hơn với nhu cầu của họ./.