Hôm nay (29/9), Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) phối hợp với Bộ Y tế công bố chính thức ứng dụng di động S-Health, một nền tảng mới được thiết kế đặc biệt dành cho chăm sóc sức khỏe từ xa cho người cao tuổi.

Người cao tuổi Việt Nam sống chủ yếu ở nông thôn, sống cùng con cháu; đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng già hóa dân số nhanh; việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong các cơ sở chăm sóc dài hạn chưa phát triển, chưa có sự kết nối với các hình thức chăm sóc tại cộng đồng đảm bảo già hóa tại chỗ. Đặc biệt là khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của một bộ phận người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu tại Lễ ra mắt ứng dụng S-Health, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới, tuổi thọ trung bình tăng nhanh qua từng năm. Tuy nhiên người cao tuổi Việt Nam phải đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép", đặc biệt là bệnh mạn tính như huyết áp, tim mạch...

"Điều này tạo ra nhiều thách thức trong phát triển chính sách và chương trình dành cho người cao tuổi. Nhiều người cao tuổi hiện vẫn gặp khó khăn trong cuộc sống và cần sự quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ nhiều hơn từ Chính phủ và cộng đồng”. Bà Lan nhấn mạnh.

Tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta.

Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, với tốc độ già hóa dân số cũng như xu hướng tăng tỉ lệ dân số cao tuổi trong những năm tới, việc cung cấp thông tin và dịch vụ y tế cho người cao tuổi là rất quan trọng. Việc triển khai ứng dụng dành cho nhóm dân số cao tuổi cũng vì phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong chương trình Nghị sự 2030 - Vì sự phát triển bền vững.

"Chúng tôi vô cùng tin tưởng ứng dụng này đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe, đảm bảo sự hội nhập tiếp cận công nghệ số cho người cao tuổi, chia sẻ cho họ những thông tin cần thiết và chính xác, giúp người cao tuổi tránh bị cô lập xã hội và phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác. Bởi S-Health cung cấp lượng thông tin phong phú cần thiết cho người cao tuổi bao gồm thông tin về sức khỏe, cách chăm sóc sức khỏe, tập thể dục, dinh dưỡng, nguồn dinh dưỡng và các dịch vụ sẵn có trên địa bàn". Bà Naomi Kitahara chia sẻ.

Để có thể đảm bảo sự tiếp cận của người cao tuổi, ứng dụng di động S-Health cho phép các thành viên trong gia đình có thể kết nối với nhau trên app. Với tính năng như vậy, các thành viên có thể cùng nhau hỗ trợ người cao tuổi trong việc truy cập và sử dụng ứng dụng, chia sẻ thông tin và quản lý tình trạng sức khỏe của người cao tuổi từ xa. Nút SOS trong ứng dụng sẽ tự động gửi định vị GPS của người cao tuổi tới người thân trong gia đình trong các trường hợp khẩn cấp.

Chỉ cần nhập vào từ khóa liên quan đến khu vực mong muốn, người dùng sẽ ngay lập tức nhận được một danh sách các cơ sở y tế đạt chuẩn đã đăng ký với Bộ Y tế. Ngoài ra, ứng dụng cũng đồng thời kết nối mạng lưới bác sĩ gia đình và viện dưỡng lão để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người cao tuổi trong cuộc sống hằng ngày hay trong các tình huống khẩn cấp để đảm bảo rằng “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Ứng dụng S-Health cung cấp thông tin về các bệnh thường gặp ở người cao tuổi, cách duy trì chế độ dinh dưỡng tốt và phù hợp cũng như cách chăm sóc người cao tuổi thông qua video và hình ảnh hướng dẫn.

Hệ thống thông tin thường xuyên được cập nhật từ các nguồn thông tin chính thống của Bộ Y tế, giúp người cao tuổi tự chuẩn bị phòng ngừa và ứng phó với dịch Covid-19.

Thiết lập các chức năng giúp người cao tuổi theo dõi các chỉ số sức khỏe hàng ngày, như huyết áp, lượng đường trong máu...

Nút SOS để người cao tuổi hoặc người thân của họ gọi xe cứu thương hoặc hỗ trợ khẩn cấp.