Khi nhắc đến tuổi già, chúng ta thường nói nhiều về sức khỏe, về dinh dưỡng hay việc tập luyện mà dường như ít nói tới một thứ tình cảm đặc biệt, đó là tình yêu tuổi già. Nhân Ngày lễ Tình nhân Valentine (14/2) năm nay, VOV2 xin gửi tới quý thính giả chùm thơ các cụ ông dành tặng một nửa của mình để thấy tình yêu tuổi già thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.

Không ít người dù đã lớn tuổi nhưng vẫn dành cho nhau sự quan tâm, tình cảm như thuở ban đầu. Ca dao có câu “Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu/Thương nhau đến lúc bạc đầu còn thương”. Bước vào tuổi xế chiều, tình yêu trong hôn nhân của các cụ ông, cụ bà càng trở nên đầm ấm và bền chặt khi họ đã cùng nhau trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống. Tâm sự đó được ông Nguyễn Văn Phênh ở Quyết Tiến, Kiến Xương,Thái Bình giãi bày trong bài thơ “Vẫn còn”:

Hai mình nay tuổi cao rồi

Ta cùng ngẫm lại một thời gian truân

Thì ra có phúc có phần

Có con có cháu thiện tâm ở đời

Tuổi già được thế là vui

Tôi bà cùng nở nụ cười hồn nhiên

Quả thực sợi dây gắn kết cả mấy chục năm cuộc đời khiến những cặp vợ chồng ở tuổi xế bóng có sự gần gũi vô vàn. Câu nói “Con chăm cha không bằng bà chăm ông” dường như rất đúng trong bài thơ “Thắm sâu nghĩa tình” của ông Nguyễn Vinh Đoàn ở Phương Liễu, Quế Võ, Bắc Ninh. Còn gì ấm áp hơn mỗi khi trái gió trở trời, bệnh tật luôn có người bầu bạn, dìu nhau đến cuối con đường.

Xa bà mới có ngày nào

Giờ đây tuổi đã xuân cao thất tuần

Ông bà giờ lại tái xuân

Ông đâu bà đấy tối ngày bên nhau

Sống sao trọn nghĩa trước sau

Tấm gương thắm sâu nghĩa tình.

Tình yêu dù ở lứa tuổi nào cũng thật đáng trân trọng. Nhưng với tuổi già, đây là quãng thời gian các cụ càng cần một người bạn đồng hành để chia sẻ những vui buồn, cùng dắt nhau qua những tháng ngày quý giá vốn đã không còn nhiều ở phía trước. Trong bài thơ “Em là” của tác giả Phạm Văn Minh ở Trực Đạo, Trực Ninh, Nam Định, những người già yêu thương nhau, động viên và chăm sóc nhau cho đến khi tóc bạc, răng rụng.

Tháng năm tuổi đã xế chiều

Giúp con trông cháu là điều ước mong

Em lên bà anh thành ông

Bên nhau ta dệt chữ đồng thành thơ

Dù cho chân chậm mắt mờ

Tóc hoa râm tã vẫn vịn bờ vai nhau.

Đọc bài thơ “Tặng bà” của ông Bùi Quang Võ ở Phương Khoan, Sông Lô, Vĩnh Phúc, người nghe càng thấm thía, quý giá những giây phút được ở bên cạnh người bạn đời, hai chữ phu thê thật nặng nghĩa, nặng tình.

Tôi bà ở tuổi hoàng hôn

Thủy chung đạo vợ nghĩa chồng xưa nay

Làm gương thế hệ sau này

Góp phần nhỏ bé dựng xây cuộc đời

Tiền tài tuy chẳng bằng ai

Sống vui sống khỏe nối dài yêu thương

Dù cho nắng hạn mưa sương

Tôi bà quấn quýt vấn vương tuổi già.

Tuổi già thường phải đối mặt với nỗi cô đơn khi tuổi xuân đã đi qua, con cháu đã trưởng thành. Nhưng trong mắt ông Doãn Bình Khiêm ở Giao An, Giao Thủy, Nam Định, tuổi già chẳng hề lẻ bóng khi được nắm tay người vợ tri kỉ đi tới cuối cuộc đời. Bài thơ “Vợ tôi” của ông Khiêm như nói lên hết nỗi lòng của ông.

Tôi đi chiến đấu phương xa

Con thơ bà dạy mẹ già bà trông

Trải bao nắng dãi mưa giông

Việc nhà việc nước gắng không ngại ngần

Cán bộ xóm xã đã từng

Huân chương kháng chiến hào hùng cháu con

Bây giờ tuổi chẳng còn son

Ơn nhờ phúc ấm cháu con quây quần

Luyện rèn ngày tháng hàng tuần

Tăng cường sức khỏe góp phần dựng xây.

Đi cùng nhau trọn quãng đường dài không phải là chuyện giản đơn. Làm sao khi nhìn lại có thể mỉm cười mãn nguyện để tiếp tục thương nhau lúc tuổi già bóng xế. Ông Đào Huy Sửu ở xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang sáng tác bài “Cô giáo đảm đang” ca ngợi người bạn đời như món quà vô giá mà cuộc sống đã ban tặng cho ông.

Công tác xã hội chu toàn

Vắng tôi bà vẫn đảm đang việc nhà

Tình bà rộng lớn bao la

Chồng con quý trọng mặn mà yêu thương

Về hưu sống giữa đời thường

Xóm làng gần gũi tình thương dạt dào.

Có một người để yêu thương, chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống đã là điều hạnh phúc, nhưng tìm được một người để nắm tay đi đến trọn đời là điều không gì đánh đổi được. Những vần thơ như những lời tâm sự nhẹ nhàng, khiến mỗi người đều cảm thấy ấm áp và thêm trân trọng hạnh phúc lứa đôi khi về già./.