Kể từ khi thành lập đến nay (6/6/1941-6/6/2022), các thế hệ người cao tuổi nước ta đã có nhiều cống hiến to lớn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Vị trí, vai trò của người cao tuổi, Hội Người cao tuổi ngày càng được nâng lên.

Để vinh danh, động viên các thế hệ người cao tuổi Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã trao tặng những phần thưởng cao quý: Bức trướng thêu 18 chữ vàng “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Huân chương Sao vàng cho các thế hệ người cao tuổi Việt Nam; Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hội Người cao tuổi Việt Nam…

Trong 5 năm qua, nhiều đơn vị, cá nhân người cao tuổi được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động. Ban Chấp hành Trung ương Hội đã tặng 36 Cờ thi đua xuất sắc cho các đơn vị dẫn đầu cụm, khối thi đua; tặng gần 5.500 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc; xét tặng hơn 36 nghìn Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò NCT Việt Nam”. Hội NCT các tỉnh, thành phố tặng hàng nghìn giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng”, thông qua đó kịp thời phát hiện, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực công tác Hội.

Tại buổi gặp mặt đoàn Đại biểu về dự Đại Hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực và các kết quả mà Hội Người cao tuổi Việt Nam đạt được trong những năm qua: Chúng ta đều đã biết, văn hóa và đạo đức của người Việt Nam ta từ xưa đến nay là "Kính già, yêu trẻ", "Kính lão đắc thọ", "Kính già, già để tuổi cho"; người già luôn luôn được đề cao, được tôn trọng. Vì sao? Vì người già là người có nhiều tuổi, đã từng trải, tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú trong cuộc sống, trong thực tiễn sản xuất, chiến đấu, am hiểu sâu sắc về văn hóa, ứng xử trong cộng đồng, dòng họ, gia đình. Trong lịch sử phát triển của dân tộc ta, người cao tuổi có nhiều đóng góp to lớn cả trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Hội nghị Diên Hồng là một biểu tượng của ý chí sắt đá, tinh thần quyết tâm, đồng lòng bảo vệ đất nước của các bậc phụ lão.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Hội Người cao tuổi tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng nội dung, phương thức, loại hình chăm sóc người cao tuổi; phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong phong trào “Toàn dân chăm sóc, phát huy vai trò Người cao tuổi”, phấn đấu để người cao tuổi được sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc: "Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu "ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau". Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa".

Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam về tình hình hoạt động và định hướng phong trào các cấp Hội mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam trong thời gian qua. Từ ngày thành lập đến nay, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo Hội người cao tuổi các cấp phát triển ngày càng vững mạnh, tập hợp đông đảo người cao tuổi tham gia Hội; phát huy tốt vai trò là tổ chức xã hội, đại diện cho nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước ta.

Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã thực hiện tốt công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; làm tốt công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi; tham mưu đóng góp ý kiến, xây dựng chính sách, pháp luật; thực hiện tốt công tác đối ngoại, nghiên cứu khoa học và tổng kết, biểu dương các điển hình tiên tiến.

Nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả của Hội người cao tuổi các cấp đã được nhân rộng, đẩy mạnh, đặc biệt là công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong phát triển kinh tế - xã hội với nhiều chương trình cụ thể, thiết thực; đặc biệt, Hội đã phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, chủ động cùng với các cơ quan của Chính phủ, chính quyền các cấp tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua.

Được Đảng, Nhà nước, các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo; sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, đoàn thể; các cấp Hội và hội viên người cao tuổi cả nước đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả thiết thực. Nhìn lại 81 năm truyền thống người cao tuổi, chúng ta vô cùng biết ơn, kính trọng các thế hệ người già đã có đóng góp không nhỏ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy mạnh mẽ tinh thần Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam, Hội Người cao tuổi các cấp đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”, thực hiện tốt các nhiệm vụ: Xây dựng, củng cố tổ chức Hội, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.

Ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam khẳng định: Trong các phong trào thi đua, có nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi; tham gia giữ gìn an ninh trật tự và các hoạt động ở địa phương (xây dựng hương ước, quy ước, nếp sống văn minh, lành mạnh...).

Việc ưu tiên nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đã trở thành nhiệm vụ tập trung, thường xuyên của các cấp Hội. Từ đó tạo sân chơi bổ ích cho người cao tuổi, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe và có cơ hội cải thiện cuộc sống. Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa cho biết, mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau được cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao. Để tiếp tục phát huy vai trò của người cao tuổi trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Thắng cho rằng cần triển khai tốt các nội dung về người cao tuổi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch Hội người cao tuổi tỉnh Tiền Giang, thời gian tới các cấp Hội sẽ tiếp tục tập trung thực hiện 2 chương trình công tác lớn (xây dựng, phát triển Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh); 2 chương trình Chính phủ giao (Tháng hành động vì người cao tuổi, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau).

Hiện cả nước có trên 6,5 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh; trong đó có gần 1 trăm nghìn người cao tuổi làm chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, gần 4 trăm nghìn người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi. Hưởng ứng phong trào làm kinh tế giỏi, các cấp Hội người cao tuổi tỉnh Cà Mau động viên hội viên tích cực tham gia phát triển kinh tế trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh tế trang trại, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Cao Minh Kha, doanh nhân cao tuổi ở phường Tân Thành, Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Hiện tôi có 1,5 hecta đất nông nghiệp, qua thời gian trồng lúa, đất bị nhiễm phèn thì chuyển đổi sang nuôi cá trình, còn trên bờ tôi trồng cây ăn trái, ngoài ra có 4 đầm tôm nuôi công nghiệp. Quá trình đó tôi phấn đấu đạt hiệu quả. Niềm vui tuổi tôi là góp phần cho con cháu, gia đình có kinh tế, góp phần xây dựng quê hương Cà Mau”.

Để phát huy tốt nhất vai trò của người cao tuổi, các cấp Hội và hội viên người cao tuổi cả nước quyết tâm đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi. Đây cũng là nền tảng để người cao tuổi tiếp tục phát huy kinh nghiệm, trí tuệ, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc./.