Theo Uỷ ban Nhân dân quận Thanh Xuân, Hà Nội, hiện số tiền do các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các địa phương ủng hộ đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong số này có sự chia sẻ của nhiều người cao tuổi. Tất cả đều với tinh thần “của ít lòng nhiều”.

Đã nhiều ngày trôi qua kể từ khi xảy ra vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ nhưng bà Như Thị Hồi, ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân vẫn chưa hết bàng hoàng. Bà cho biết các thành viên trong gia đình cũng có chung cảm xúc như vậy bởi hậu quả của vụ cháy quá nặng nề. Không chỉ cầu mong cho linh hồn những người đã mất được siêu thoát, bà và các thành viên còn muốn chung tay xoa dịu nỗi đau của các gia đình. Bản thân bà, khi biết chính quyền địa phương tổ chức tiếp nhận hỗ trợ, bà đã trích một phần nhỏ của khoản hưu để chia sẻ. “Những ngày qua, tôi không làm được gì vì lúc nào cũng nghĩ về vụ cháy. Thương các nạn nhân, để an ủi họ phần nào, tôi có hỗ trợ, gọi là của ít lòng nhiều”, bà Hồi chia sẻ.

Sống tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, ông Đỗ Đắc Trung chứng kiến nỗi đau và sự mất mát của các gia đình ngay khi xảy ra vụ cháy vào đêm 12/9. Bên cạnh những lời an ủi, động viên gửi tới các gia đình nạn nhân, ông cũng trích một phần nhỏ trong số tiền chi tiêu hàng tháng của cá nhân để hỗ trợ. Ông Trung cho rằng không gì có thể bù đắp được mất mát của những gia đình có người thiệt mạng. Tuy nhiên, đau thương sẽ vơi đi phần nào khi được sẻ chia. Vì thế, ông coi việc sẻ chia như một phần trách trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, nhất là với những người không may gặp hoạn nạn. “Tôi nghĩ ai cũng đau xót. Ngoài nghĩa tình, việc sẻ chia với người hoạn nạn còn thể hiện trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng”, ông Trung tâm sự.

Năm nay 88 tuổi, mỗi tháng bà Trần Thị Duyên được nhận hơn 400.000 đồng từ chính sách trợ cấp của Nhà nước. Đó là số tiền bà Duyên rất trân trọng, luôn dành dụm và chỉ chi tiêu vào những việc thật cần thiết. Khi vụ cháy xảy ra, bà đã trích một phần của số tiền này và đi bộ ra điểm tiếp nhận tại Nhà văn hóa Khu dân cư số 8 Khương Hạ để hỗ trợ. “Tôi chỉ có chút ít thôi nhưng đó là tấm lòng tôi muốn dành cho những gia đình không may gặp hoạn nạn”, bà Duyên nói.

Từ khi chính quyền phường Khương Đình tổ chức tiếp nhận, nhiều người cao tuổi ở những địa bàn lân cận cũng tranh thủ đến tận nơi thăm hỏi và chia sẻ với các gia đình không may gặp nạn. Ông Hoàng Quốc Tuấn, ở phố Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân là một trong số đó. Ông Tuấn cho biết sau khi xảy ra vụ cháy, ông đã nghĩ tới việc hỗ trợ một số tiền nhỏ từ khoản lương hưu. Bởi theo ông, đây là cách trợ giúp hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, ông không biết gửi cho ai, đơn vị nào tiếp nhận. Hơn nữa, ông không có điện thoại thông minh, không biết cách chuyển khoản trên các thiết bị điện tử. Vì thế, khi biết các tổ chức đoàn thể tại phường Khương Đình đứng ra tiếp nhận, dù trời mưa nhỏ nhưng vẫn ông đạp xe hơn một cây số đến tận nơi để hỗ trợ. “Tôi nghĩ giúp tiền để các gia đình nạn nhân cần mua sắm gì sẽ thuận tiện hơn”, ôn Tuấn chia sẻ.

Không chỉ riêng ông Tuấn, bà Duyên hay ông Trung, bà Hồi, tại phường Khương Đình và lân cận, những ngày qua, người cao tuổi ở các địa phương cũng có nhiều hoạt động thiết thực nhằm chia sẻ nỗi đau và mất mát với các gia đình nạn nhân. Mong rằng các nạn nhân và người thân sớm vượt qua nỗi đau, phục hồi phục sức khỏe và tâm lý.

Nghe bài viết dưới đây: