Gần đến Tết Nguyên đán, tình trạng mua bán, tàng trữ và vận chuyển trái phép các loại pháo diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NÐ-CP về quản lý, sử dụng pháo thay thế cho Nghị định số 36/2009/NÐ-CP về quản lý, sử dụng pháo. Do không hiểu đúng tinh thần Nghị định, một số cá nhân cho rằng, từ ngày 11/01/2021 khi Nghị định số 137 có hiệu lực sẽ được đốt các loại pháo. Tuy nhiên, theo Nghị định 137, pháo nổ là mặt hàng cấm và pháp luật nước ta vẫn nghiêm cấm các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ.
Luật sư Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Luật Hợp danh The Light cho biết cá nhân, tổ chức sản xuất, buôn bán pháo nổ có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự. Ngoài việc bị phạt tù, cá nhân, tổ chức còn bị tịch thu, tiêu hủy tất cả pháo nổ đã sản xuất ra. Hành vi tàng trữ pháo nổ cũng sẽ bị phạt tù đến 10 năm đối với cá nhân, phạt tiền đến 5 tỷ đồng đối với tổ chức. "Trường hợp các cá nhân tự chế pháo nổ gây thiệt hại cho chính bản thân mình và phải đối mặt với những hình phạt, chế tài rất nghiêm khắc." - Luật sư Hưng nói.
Nếu vẫn còn những người dân chưa tự ý thức được trách nhiệm của cá nhân, chưa nhận thức rõ được sự nguy hiểm và những hậu quả khôn lường do pháo nổ gây ra thì hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ vẫn còn diễn ra. Do đó, bên cạnh công tác quản lý của các cơ quan có thẩm quyền, mỗi người dân cần tự nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Nhà nước, pháp luật để đón Tết vui tươi, an toàn.