Ông Nguyễn Đức Thọ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội tham gia đóng BHXH đủ 25 năm, sau này khi nghỉ chế độ, ông sẽ có một khoản lương hưu khoảng 3 triệu đồng một tháng. Số tiền chưa phải là lớn nhưng cũng đủ để ông tự lo cho mình: "Chưa đến tuổi nghỉ hưu mà bây giờ mình đóng tiếp sau này có chế độ nghỉ hưu đấy rất là tốt, còn nếu về một cục thì khi sử dụng hết rồi thì khi về già không có khoản hàng tháng để tiêu dùng…."

Thế nhưng hiện có khá nhiều người lao động xin lĩnh tiền hưu trí "một cục" thay vì đóng thêm để nhận lương hưu khi đủ tuổi. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội, chỉ trong 5 tháng đầu năm nay đã giải quyết hơn 14.500 trường hợp người lao động nhận BHXH một lần, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước. Việc nhận BHXH một lần, đồng nghĩa người lao động tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ, đặc biệt là các chế độ dài hạn, như: Hưu trí, tử tuất, bảo hiểm y tế miễn phí…

Đi làm hơn 10 năm ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, sau khi sinh con và lĩnh bảo hiểm thất nghiệp, chị Trần Thu Hà ở quận Đống Đa quyết định mở hàng bán đồ ăn sáng ở nhà và rút bảo hiểm xã hội một lần được hơn 40 triệu đồng. Dù được tư vấn chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng chị vẫn không thay đổi quyết định. "Tôi không đi làm nữa thì rút tiền về vì con nhỏ nên chồng bảo ở nhà. Rút về thôi chứ cũng không xác định đi làm đóng bảo hiểm nữa, được ít tiền để ở nhà kinh doanh kiếm thêm."

Đóng BHXH được 8 năm tại một doanh nghiệp cơ khí khu vực quận Hà Đông, nhưng một năm trước, anh Nguyễn Hoàng Nam phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh. Quyết định ra làm ngoài, anh cũng có ý định dừng tham gia BHXH và mong rút về 1 lần: "Mình cần rút ra để làm ăn, tính chất là gần thôi không lâu dài được, thôi cứ rút 1 cục, mình làm bao nhiêu năm thì hưởng bấy nhiêu đấy. Nghĩ là cũng được, bởi vì cơ quan làm ăn không được."

Trước thực tế gia tăng tình trạng rút BHXH một lần, mới đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có tờ trình Chính phủ về đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trong đó có nội dung thắt chặt các điều kiện hưởng BHXH một lần. Đáng chú ý là đề xuất chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp; đề xuất quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng thấp hơn. Đồng thời, đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), điều kiện hưởng lương hưu sẽ giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15, hướng tới 10 năm.

Dù triển khai theo hướng nào, thì người lao động cần có cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa ra quyết định của mình nhằm đảm bảo cho lợi ích lâu dài của chính bản thân và gia đình trong tương lai.

BHXH Việt Nam lưu ý người lao động cần cân nhắc hưởng BHXH một lần vì các lý do sau:

-Khi nhận BHXH một lần người lao động sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già và sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

- Người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước.

- Trong thời gian bảo lưu nếu chẳng may bị chết thì gia đình còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

- Nhận BHXH một lần nghĩa là phải chấp nhận thiệt thòi. Với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương, trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 2 tháng lương. Như vậy, người lao động bị thiệt mất 0,64 tháng lương.