Chị Trần Lan Hương ở Đống Đa là một người hay đọc sách. Tuy nhiên thay vì mua sách hay mua ebook để đọc từ các địa chỉ có uy tín, chị Hương lại chọn cách tìm ebook trên các trang chia sẻ miễn phí. Theo chị Hương, làm như thế, chị vừa có thể đọc sách vừa tiết kiệm khi không tốn bất kỳ khoản phí nào: "Như mình mua sách giấy thì rẻ cũng mấy chục nghìn một quyển, đọc ebook trên các nền tảng có bản quyền thì phải trả phí cho các nền tảng đó bằng cách nạp tiền vào tài khoản, rồi trừ dần mỗi khi đọc. Tất nhiên là giá ebook sẽ rẻ hơn giá sách in. Tuy nhiên khi mình đọc ebook trên các trang chia sẻ miễn phí thì họ cập nhật cũng nhanh, lại không mất tiền. Mình nghĩ đấy là lý do nhiều người đọc sách vẫn tìm đến các trang này."
Chị Hương cũng chia sẻ thêm: "Họ có trả tiền bản quyền hay không thì mình không biết, quan trọng là mình không phải mất tiền thôi. Còn tiền mua sách tiết kiệm được mình có thể mua được nhiều thứ khác."
Cũng như chị Trần Lan Hương, nhiều người đọc không quan tâm cuốn sách mà họ đọc đã được trả bản quyền chưa, mà chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt là họ được đọc hoàn toàn miễn phí. Nhưng điều đó lại gây tổn thất cho tác giả và các công ty sách.
Vài năm trước, một thanh niên 19 tuổi quay lén rồi phát trực tuyến phim “Cô Ba Sài Gòn” trên mạng xã hội khiến nhà sản xuất của phim là diễn viên Ngô Thanh Vân phải tuyên bố sẽ “tuyên chiến tới cùng” với nạn vi phạm bản quyền. Thế rồi chính Ngô Thanh Vân lại phải chấp nhận bỏ qua vì lỗi chủ yếu liên quan tới ý thức của người xem. Dù vô tình hay cố ý thì việc vi phạm bản quyền tác phẩm văn học, nghệ thuật của một bộ phận người đọc, người xem đang là vấn đề nhức nhối.
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Giám đốc Công ty luật TNHH Tầm nhìn và Liên danh cho rằng: "Những hành vi xâm phạm đó, lỗi vô ý hay không cố tình của họ có thể là tình tiết giảm nhẹ nhưng không giải trừ những bên đó khỏi trách nhiệm pháp lý do hành vi mà họ đã gây ra."
Theo số liệu khảo sát của WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới) về đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền, tại Mỹ đóng góp này chiếm khoảng 11,99% GDP; tại các nước đang phát triển như Trung Quốc, đóng góp này chiếm khoảng 7,35% GDP, Malaysia là 5,7% và Thái Lan: 4.48% GDP. Theo số liệu từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, quy mô xuất khẩu của ngành công nghiệp bản quyền nước này đã đạt 12 tỷ đô la Mỹ, tỷ lệ vi phạm bản quyền ngày càng giảm, hiện chỉ còn chưa tới 20%. Đặc biệt, để đối phó với vi phạm bản quyền trên môi trường số, Hàn Quốc đầu tư mạnh vào công nghệ và đưa nội dung bản quyền vào trường học.
Ông Kim Dong Eun - Trưởng phòng Hợp tác Thương mại và Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc - cho biết: "Chúng tôi đã hoàn thành công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể tự động phát hiện vi phạm. Sang năm tới, chúng tôi sẽ cho ra mắt trung tâm quảng bá về bản quyền và đưa thêm nhiều nội dung này vào các cấp, từ tiểu học tới trung học phổ thông."
Việt Nam đã tham gia công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học từ nhiều năm nay và mới trở thành thành viên của Hiệp ước về quyền tác giả (WCT), Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Chúng ta cũng có Luật sở hữu trí tuệ và một hệ thống nghị định, thông tư để thực hiện luật đó. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Giám đốc Công ty luật TNHH Tầm nhìn và Liên danh ở nước ta, việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan còn nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực và quốc tế: "Mỗi quốc gia có hệ thống pháp luật khác nhau, lịch sử pháp lý và nhận thức về pháp luật khác nhau nên việc so sánh rất khó. Tuy nhiên tôi thấy pháp luật của chúng ta không hề thua kém, chúng ta đã có hệ thống khá là đầy đủ, mạnh mẽ. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta sử dụng hệ thống đó, công cụ đó như thế nào cho việc bảo hộ của mình. Và nếu nhìn ở góc độ này, tôi thấy ở các nước, chỉ cần nói các nước trong khu vực thôi thì họ đang có một hệ thống thực thi quyền, một hệ thống thi hành pháp luật mà tôi thấy mạnh mẽ hơn của chúng ta rất nhiều. Và đó chính là điều chúng ta cần nỗ lực để có được cơ chế bảo hộ quyền tác giả nói riêng cũng như quyền sở hữu trí tuệ nói chung tốt hơn"./.