Hơn 12 năm thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần thay đổi mạnh mẽ hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc cho sự phát triển công tác này tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, và trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập trong quá trình thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được sửa đổi, hoàn thiện. Chính vì vậy, các đại biểu đều tán thành việc ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và khẳng định đây là hoạt động cần thiết, kịp thời.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin giúp các loại hình quảng cáo trên không gian mạng, trên ứng dụng giải trí dễ dàng tiếp cận với người dân. Nhiều quảng cáo sản phẩm, dịch vụ sai sự thật, chất lượng không đúng đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong khi đó, vấn đề này lại chưa được kiểm soát chặt chẽ, các chế tài xử lý cũng chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng, đã đến lúc phải sửa đổi Luật để có hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả hơn.

"Người tiêu dùng hiện đang thiếu một cơ chế bảo vệ nên tôi thấy rất cần thiết sửa đổi Luật. Như vấn đề quảng cáo quá đà gần như người đi quảng cáo chưa hiểu rõ về sản phẩm mà mình quảng cáo cho nên thời gian qua lĩnh vực quảng cáo cũng gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng", đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh lý giải.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, để luật có thể đi vào cuộc sống thì rất cần sự tham gia của các bên liên quan. Các cơ quan quản lý triển khai thực hiện nghiêm túc. Còn người tiêu dùng cũng cần hiểu rõ về quyền lợi của mình. Bởi lẽ, không ít người tiêu dùng khi thấy sản phẩm quảng cáo sai sự thật đều tự chấp nhận vì sợ mất công, mất thời gian, thậm chí nghĩ rằng có kiện cáo cũng không giải quyết được vấn đề.

Nhiều đại biểu đều cho rằng, cần quy định hành vi chuyển tải các quảng cáo sai sự thật là một trong các hành vi cấm, cần được ngăn chặn. Không chỉ đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quảng cáo mà ngay cả những người tham gia quảng cáo cho sản phẩm sai sự thật cũng đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Đại biều Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tình Hải Dương khẳng định, nếu thực hiện nghiêm quy định vừa nêu trên, chắc chắn, những người tham gia quảng cáo sẽ có trách nhiệm tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà mình giới thiệu.

Hơn nữa, với những gương mặt đại diện cho sản phẩm nhất là người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng với xã hội cũng cần phải nêu rõ việc được các nhãn hàng tài trợ hay thuê quảng cáo, tránh mập mờ, gây hiểu lầm tới những người luôn theo dõi và yêu quý họ.

"Chúng ta không nên để thả nổi và người quảng cáo thì cứ quảng cáo, khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra với người tiêu dùng thì coi như không liên quan tới mình", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, nở rộ các loại quảng cáo về thuốc và thực phẩm chức năng với những công dụng như “thần dược” mà chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng và công nhận. Cùng với đó là tình trạng nghệ sĩ, người nổi tiếng nhận tham gia vào các clip quảng cáo mà không có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về sản phẩm.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Đoàn thành phố Hà Nội cho rằng, đây là câu chuyện hết sức nghiêm trọng bởi nó dẫn đến tình trạng tiền mất tật mang. Nhất là những người hâm mộ, họ thường tin tưởng vào những nghệ sỹ, những người nổi tiếng mà mình yêu mến.

Chính vì vậy, cần siết chặt quản lý trong lĩnh vực quảng cáo cũng như có những quy định cụ thể, rõ ràng để chấn chỉnh và xử lý nghiêm những quảng cáo không đúng sự thật. Đồng thời hoàn thiện các thể chế, cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được hiệu quả hơn.