Trốn đóng BHXH được hiểu là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH.

Việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH sẽ làm gián đoạn quá trình ghi nhận thời gian tham gia BHXH của người lao động. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các quyền lợi về BHXH của người lao động khi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) có trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) làm tại danh nghiệp, công ty sau khi ký hợp đồng lao động mà không phụ thuộc vào thời hạn của hợp đồng lao động. Điều 21 của Luật BHXH 2014 quy định, NSDLĐ có trách nhiệm lập hồ sơ để NLĐ được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, điều 168 Bộ luật Lao động 2019 Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp: NSDLĐ, NLĐ phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; NLĐ được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT và BHTN.

Khoản 1, Điều 2, Luật BHXH 2014 quy định đối tượng đóng BHXH bắt buộc như sau: NLĐ là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

Từ thời điểm NSDLĐ và NLĐ thỏa thuận về việc ký kết hợp đồng lao động, chỉ cần hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng, NSDLĐ phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ với mức đóng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, tất cả người lao động tại doanh nghiệp sở hữu hợp đồng lao động chính thức từ 01 tháng trở lên đều là đối tượng cần tham gia BHXH bắt buộc. Cả người lao động và NSDLĐ đều cần có trách nhiệm đóng BHXH theo đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều NSDLĐ trốn đóng BHXH cho NLĐ.

Theo số liệu từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2022, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, cả lãi và gốc là 8.560 tỷ đồng, tăng khoảng 2,69% so với mức của năm 2021; có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho biết: "Trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm, nếu vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự."

Nếu có hành vi chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên, căn cứ Điều 122, Luật BHXH 2014, ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, NSDLĐ còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của NSDLĐ để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH. Nếu có hành vi trốn đóng BHXH nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì NSLDLĐ có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng, đồng thời bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

"Khi người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà thuộc các trường hợp quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự." - Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm.

Trường hợp công ty, doanh nghiệp không đóng BHXH, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người lao động cần thực hiện các cách giải quyết dưới đây:

- Khiếu nại tới Ban Giám đốc công ty, tổ chức công đoàn công ty: Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 24/2018 (quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động), trong vòng 180 ngày, kể từ ngày biết được công ty không đóng BHXH cho mình, người lao động yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu cho mình để xem xét lại hành vi không nộp tiền BHXH.

- Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày yêu cầu giải quyết, nếu công ty vẫn không đóng hoặc người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết của công ty thì người lao động được quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

- Khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện, nơi công ty đóng trụ sở để yêu cầu giải quyết các quyền lợi liên quan trong thời gian làm việc mà không được đóng bảo hiểm khi: Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại; Hoà giải không thành; Hết thời hạn mà không được giải quyết khiếu nại, hòa giải.

Mời quý vị nghe trao đổi của LS Trần Xuân Tiền tại đây: