Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe còn nhiều vấn đề bất cập và là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Chính vì vậy, dự thảo Luật Giao thông đường bộ đã có những nội dung sửa đổi, bổ sung về việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Vậy những quy định trong dự thảo đã hợp lý hay chưa? Phóng viên chương trình phỏng vấn ông Khương Kim Tạo – nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia:

-Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay?

Ông Tạo: Công tác đào tạo và sát hạch về cơ bản có những bước tiến bộ, so với trước, có nhiều ứng dụng vào công tác quản lý. Thế nhưng chúng ta cần phải bổ sung nhiều vấn đề để hoàn thiện việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe trong thời gian tới, đặc biệt là vấn đề quy phạm pháp luật. Chúng ta có luật GTĐB 2008, hiện nay đã có dự thảo, nhưng dự thảo đó xem ra nhiều rắm rối hơn so với quy định hiện hành, ban soạn thảo nên cân nhắc, nghiên cứu lại để làm thế nào chúng ta có được hệ thống GPLX chuẩn mực từ đó chúng ta có những người điều khiển xe cơ giới có chuẩn mực tốt hơn.

- Ông có nói đến việc bất cập trong dự thảo Luật GTĐB, vậy cụ thể những bất cập đó là gì và phải sửa đổi như thế nào?

Ông Tạo: Cái đầu tiên việc phân hạng giấy phép lái xe chúng ta phải làm chuẩn mực, nhưng không có nghĩa chúng ta chia quá nhỏ ra mà chúng ta phải tuân thủ theo quốc tế cũng như tình hình của VN hiện nay. Ví dụ như trong Luật GTĐB sửa đổi về phân hạng GPLX cái thứ nhất là GPLX hạng A0 cho các cháu nhỏ hoặc những người đi xe gắn máy. Trước đây chúng ta không quy định, bây giờ chúng ta đưa cái này vào. Đứng góc độ trật tự an toàn giao thông chúng ta nghĩ rằng tốt, nhưng chúng ta không thiếu gì giải pháp tốt hơn, nhẹ nhàng hơn và đỡ tốn kém hơn. Chúng ta đang tăng cường tuyên truyền ATGT trong các nhà trường rồi thì chúng ta hãy làm tốt nó lên để giải quyết vấn đề tốn kém, đỡ bắt các cháu phải thi cử rồi phạt các cháu, rất lằng nhằng. Hoặc tuyên truyền nâng cao ý thức của người điều khiển xe gắn máy là được, không nhất thiết phải thêm hạng bằng ấy nữa. Thứ hai trong dự thảo có nêu đến việc cấp giấy phép lái xe hạng B1 dùng cho người lái xe 3 bánh, điều này là không đúng. Công ước Vienna chúng ta đã ký với tất cả các nước trên thế giới: Chữ A dành cho người lái xe mô tô, chữ B dành cho người lái xe ô tô con và xe tải cỡ nhỏ, chữ C là ô tô tải và chữ D là ô tô khách, điều này là bắt buộc. Vậy nên trong dự thảo thì ký hiệu B1 là lái xe mô tô 3 bánh là sai. Trong phân hạng GPLX chúng ta quy định giấy phép lái xe hạng B1 dùng cho GPLX hạng số tự động là không đúng. Trong công ước Vienna người ta quy định người đã biết lái ô tô thì phải biết lái hộp số tự động và hộp số sàn. Chúng ta chỉ nên quy định hạng B cho cả ô tô con và ô tô tải cỡ nhỏ…. Như vậy số giấy phép lái xe sẽ ít đi và chúng ta quản lý dễ hơn, mạch lạc hơn.

- Thưa ông, bên cạnh việc cấp giấy phép lái xe thì việc sát hạch lái xe cũng rất quan trọng. Vậy theo ý kiến của ông, chúng ta phải quy định ra sao về việc này để đảm bảo an toàn với người tham gia giao thông?

Ông Tạo: Chúng ta hiện có nhiều giải pháp để nâng cao việc sát hạch, đảm bảo chất lượng nhưng còn một bất cập là công tác sát hạch thực tế trên đường hiện quá yếu. Hiện chúng ta chỉ quy định việc sát hạch trên đường quá ngắn mà không quy định mức độ phức tạp những tình huống giao thông thực tế xảy ra. Người lái xe khi lấy bằng mà ngôi lên xe cứ run cầm cập là không được nên chúng ta phải điều chỉnh vấn đề này...

Vâng, xin cám ơn ông!