Cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là người không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam

Dự thảo Luật Căn cước áp dụng đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Tại khoản 10 Điều 3 và Điều 7 dự thảo Luật quy định rõ việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Theo đó, người gốc Việt Nam gồm: Người đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống; Con ruột, cháu ruột của người nêu trên.

Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân của người gốc Việt Nam có giá trị chứng minh thông tin về căn cước của người đó trên lãnh thổ Việt Nam. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu người gốc Việt Nam xuất trình giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra; được sử dụng số định danh của người gốc Việt Nam trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người đó trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật. Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết việc cấp số định danh của người gốc Việt Nam, cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước, thông tin được thu thập, cập nhật, lưu trữ và việc khai thác, sử dụng thông tin về người gốc Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước và việc quản lý người gốc Việt Nam.

Việc thu thập, cập nhật thông tin về người gốc Việt Nam vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước giúp quản lý chặt chẽ hơn đối với những người này; các cơ quan nhà nước không phải thực hiện các hoạt động điều tra, thu thập thông tin của công dân và người gốc Việt Nam một cách đơn lẻ trong hoạt động quản lý nhà nước như xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển có sử dụng thông tin cá nhân để phân tích, đánh giá, dự báo; giảm nhân lực và đầu mối cần bố trí để quản lý thông tin cá nhân.

Người dưới 14 tuổi cũng được cấp thẻ căn cước

Tại Điều 20 dự thảo Luật Căn cước quy định thêm trường hợp được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam dưới 14 tuổi.

Theo quy định của Luật Căn cước công dân 2014, người dưới 14 tuổi chưa được cấp căn cước công dân. Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư Quốc gia, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an cho biết: “Trước đây, khi cấp căn cước công dân, chúng ta thực hiện việc lấy sinh trắc học bằng phương thức thủ công là lăn tay trên giấy. Với người dưới 14 tuổi, vân tay chưa hình thành thực sự nên khi lăn tay trên giấy, chất lượng không đảm bảo. Tuy nhiên hiện nay, tất cả dấu vân tay đã được thu nhận bằng thiết bị điện tử, chất lượng vân tay đưa vào hệ thống để so sánh, đối chiếu được đảm bảo". Đây cũng là căn cứ để đưa đối tượng người dưới 14 tuổi vào diện được cấp căn cước công dân trong dự thảo Luật lần này. Tuy nhiên, Thiếu tá Trần Duy Hiển nhấn mạnh, việc cấp căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi thực hiện theo nhu cầu của công dân chứ không phải là quy định bắt buộc.

Bên cạnh đó, việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh (hiện nay vẫn đang thực hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt) và các quy định pháp luật khác có liên quan; đồng thời, phù hợp với pháp luật của nhiều nước trên thế giới quy định về việc cấp thẻ căn cước cho cả người dưới 14 tuổi như: Algeria, Argentina, Bỉ, Bhutan, Brunei, Chile, Colombia, Chile, Síp, Đức, Malaysia, Bồ Đào Nha, Thái Lan… góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy được giá trị của việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước và tiện ích của thẻ căn cước, tài khoản định danh điện tử; nhất là trong việc xác thực thông tin cá nhân; thực hiện công tác thống kê, phân tích, dự báo, thiết lập bản đồ số dân cư; giảm chi phí trong thực hiện công tác chuyển đổi số; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho người dân tham gia được các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống.

Thẻ căn cước cấp cho người dưới 14 tuổi không thay thế cho việc cấp giấy khai sinh. Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện cấp giấy khai sinh cho người dân theo quy định của pháp luật hiện hành.

Dự thảo Luật Căn cước công dân quy định người dưới 14 tuổi hoặc cha, mẹ, người giám hộ của người dưới 14 tuổi có quyền đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ căn cước.

Đối với trẻ dưới 06 tuổi, cơ quan chức năng sẽ không tiến hành thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học. Cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho trẻ thông qua cổng dịch vụ công. Trường hợp trẻ dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công.

Đối với trẻ từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi, khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước, cha, mẹ hoặc người giám hộ đưa trẻ đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học và tiến hành kê khai, ký, thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho trẻ.