Muốn quyền lợi của mình được đảm bảo thì bản thân người gửi tiền cần hiểu rõ những quy định của luật về quyền lợi và trách nhiệm của mình. Thực tế triển khai Luật Bảo hiểm tiền gửi những năm qua cho thấy, cần tăng cường sự hiểu biết của người dân về BHTG; đồng thời, tăng cường năng lực của tổ chức BHTG để khẳng định cam kết của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, từ đó nâng cao niềm tin của người dân đối với chính sách BHTG và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Luật sư Đinh Thị Chúc – Công ty Luật ALadin sẽ trao đổi về những nội dung này

PV: Thưa luật sư, điều mà người dân quan tâm khi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng là quyền lợi mà mình được hưởng. Luật sư có thể cho thính giả được hiểu rõ hơn về những quyền lợi của người được BHTG?

Luật sư Đinh Thị Chúc: Điều 11, Luật BHTG quy định, người được BHTG có quyền: Được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Luật này; Được nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định của Luật này; Yêu cầu tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về BHTG; Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHTG theo quy định của pháp luật.

PV: Quy định rất rõ ràng, tuy nhiên không phải người dân nào cũng hiểu hết những quyền lợi mà mình được hưởng, theo luật sư, điều quan trọng bây giờ là gì?

Luật sư Đinh Thị Chúc: Trong bối cảnh thị trường tài chính đang có nhiều biến động như hiện nay, người gửi tiền sẽ thực sự an tâm và tự tin hơn nhiều khi bên cạnh họ luôn có một hậu phương vững chắc là BHTG với một chiến lược phát triển lâu dài và bền vững.

Luật BHTG (Luật số 06/2012/QH13) đã quy định: tổ chức BHTG chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược phát triển BHTG để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện. Tại Quyết định số 1660 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ:

Phấn đấu tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đến năm 2025 là 30 ngày làm việc và đến năm 2030 là 15 ngày làm việc, nhằm giúp người gửi tiền được tiếp cận sớm với tiền gửi của mình khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được xử lý.

Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Để thực hiện được những mục tiêu cụ thể nêu trên, Chiến lược phát triển BHTG xác định 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: hoàn thiện cơ sở pháp lý về BHTG; áp dụng hiệu quả các công cụ chính sách BHTG; triển khai hiệu quả hoạt động BHTG và phát triển tổ chức BHTG.

Theo tôi, phương hướng phát triển như trên là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp xác định tầm nhìn bao quát ngắn – trung và dài hạn đối với chính sách BHTG cũng như hoạt động của BHTGVN.

PV: Thưa luật sư, một trong những nhân tố quan trọng trong việc xây dựng hệ thống BHTG vững mạnh là nâng cao nhận thức của người dân về chính sách BHTG, qua đó góp phần đảm bảo niềm tin của họ vào hệ thống tài chính – ngân hàng. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể tuyên truyền chính sách BHTG một cách có hiệu quả?

Luật sư Đinh Thị Chúc: Điều này đã được quy định trong Chương 2 của Quyết định số 1660 về tuyên truyền chính sách BHTG, cụ thể như sau: Triển khai công tác tuyên truyền chính sách BHTG tập trung vào các đối tượng công chúng mục tiêu trong từng giai đoạn nhất định phù hợp với tình hình thực tế; Nâng cao hiệu quả và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền chính sách BHTG; Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG nội dung quy định tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm phối hợp với tổ chức BHTG tuyên truyền chính sách BHTG; Triển khai khảo sát mức độ nhận thức về chính sách BHTG của người gửi tiền, sau đó thực hiện khảo sát mức độ nhận thức của người gửi tiền ba năm một lần; Xây dựng Đề án truyền thông tổng thể và dài hạn phù hợp với Chiến lược phát triển BHTG.

PV: Thưa Luật sư, một điều nữa cần nhấn mạnh trong việc xây dựng hệ thống BHTG vững mạnh, đó là năng lực tài chính của tổ chức BHTG cũng tác động đến niềm tin của người gửi tiền vào tổ chức đó. BHTGVN cần phải chuẩn bị vấn đề này như thế nào?

Luật sư Đinh Thị Chúc: Trong Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã chỉ rõ về việc nâng cao năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi như sau: Thứ nhất, giai đoạn 2022 – 2025:

Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp luật để thực hiện:

Tăng vốn điều lệ cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2025 và lên 15.000 tỷ đồng vào năm 2030 từ nguồn tự tích lũy và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm đảm bảo năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo nguồn lực triển khai hiệu quả hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Tăng cường năng lực tài chính thông qua việc cho phép tổ chức bảo hiểm tiền gửi đa dạng hóa hình thức và danh mục đầu tư gồm: Mua và bán trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; Gửi tiền tại ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt; Mua và bán trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt phát hành; Mua, bán trái phiếu chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, các văn bản hướng dẫn và được xếp hạng tín nhiệm cao.

Bổ sung hình thức vay từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi không đủ để trả tiền bảo hiểm.

Thứ hai, xây dựng Đề án tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm.

PV: Xin cảm ơn Luật sư Đinh Thị Chúc – Công ty Luật ALadin. Tin rằng Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ được triển khai thực hiện thành công để phát triển hoạt động BHTG ở Việt Nam ngày càng tiên tiến, vững mạnh, bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.