Vương triều nhà Lý được thiết lập vào năm 1009. Kể từ khi Lý Công Uẩn lên ngôi đến vị vua cuối cùng là 9 đời vua và kéo dài 216 năm. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu sử học thì đây là giai đoạn phục hưng toàn diện của đất nước với một nền kinh tế và quốc phòng khá ổn định, thống nhất và là thời kỳ phát triển rực rỡ của lịch sử nước ta. Trong đó, ngoài xây dựng thể chế chính trị và quân sự thì các chính sách quản lý ruộng đất, phát triển nông nghiệp là yếu tố tạo tiền đề để nhà Lý xây dựng một nền văn hóa Thăng Long và văn minh Đại Việt lúc bấy giờ.
Theo các nguồn tư liệu lịch sử còn ghi lại, sau khi lên ngôi vua tại kinh thành Hoa Lư, tiếp quản cơ đồ của nhà Tiền Lê, ban đầu vua Lý Thái Tổ vẫn giữ nguyên thể chế chính chính trị cũ. Sau khi chuyển triều đình từ Hoa Lư ra Thăng Long, nhà Lý mới bắt đầu củng cố và xây dựng một chế độ chính trị riêng phù hợp với chính thể đương thời. Đặc biệt, các chính sách về ruộng đất có sự phân bố lại với một số điểm tương đồng và khác biệt so với thời Lê Sơ trước đó và thời Trần về sau. Cụ thể, ruộng đất thời Lý có các loại sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân, hay nói theo cách gọi thời đó là quan điền và dân điền.
Ruộng quốc khố, hay quan điền là một trong hai loại ruộng công (ruộng thuộc sở hữu của Nhà nước, đã khai khẩn hoặc còn bỏ hoang) trực tiếp do nhà nước quản lý, canh tác bằng trâu cày, nông cụ của nhà nước, với các lực lượng sản xuất nô tì, tội nhân của triều đình được gọi là cảo điền nhi hay cảo điền hoành. Hoa lợi thu được dự trữ trong kho của triều đình để dùng cho việc trong cung và triều đình. Vì vậy, tô thuế ruộng quốc khố thường vào loại cao nhất.
Trong khi đó, hệ thống đồn điền là loại ruộng đất có được từ việc tổ chức khai hoang và sản xuất nông nghiệp ở các vùng ven sông, ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Lam. Dưới thời vua Lý Thái Tông thì tình hình khai hoang được đẩy mạnh, trong đó tù binh là lực lượng chủ yếu.
Loại ruộng đất thứ ba là ruộng tịch điền, là loại ruộng nghi lễ mà hoa lợi chủ yếu dùng vào việc cúng tế lớn của nhà nước trung ương (có từ thời Tiền Lê). Các vị vua nhà Lý đều rất quan tâm đến loại ruộng đất này, hàng năm các vua đều tham dự lễ cày ruộng tịch điền và trực tiếp cày để khuyến khích lao động nông nghiệp trong buổi đầu xây dựng chế độ phong kiến dân tộc. Diện tích ruộng tịch điền thời Lý nói chung không rộng, chủ yếu tập trung ở vùng xung quanh kinh thành Thăng Long, khu vực đông dân và khu vực có nghề nông phát triển.
Loại ruộng thứ tư thuộc sự quản lý trực tiếp của nhà nước là ruộng sơn lăng. Đây là loại ruộng dùng vào việc thờ phụng tổ tiên dòng họ nhà vua. So với ruộng tịch điền thì diện tích ruộng sơn lăng còn nhỏ hơn, vì đây chỉ là ruộng đất lăng tẩm của các vua, chuyên lấy hoa lợi vào việc bảo vệ và sửa chữa các lăng. Thời Lý, nhà nước có một ít ruộng sơn lăng ở Đình Bảng (Bắc Ninh ngày nay), thời Trần có ở Thái Đường (Thái Bình ngày nay)... Khác với tịch điền, ruộng sơn lăng không mất đi mà được bảo lưu dưới hình thức ruộng tế hay ruộng công, do làng xã quản lý. Ruộng sơn lăng thường được chọn đặt ở quê hương nhà vua.
Bên cạnh đó còn có những loại ruộng công mà nhà nước chỉ quản lý gián tiếp đó là ruộng công làng xã, ruộng thác đao và ấp thang mộc. Ruộng công làng xã là ruộng giao cho các làng xã quản lý, do những người lính nhàn thời bình về cày cấy (theo chính sách "ngụ binh ư nông"). Hoa lợi thu được từ ruộng này để nuôi quân. Ruộng thác đao và ấp thang mộc là ruộng ban thưởng cho quan lại, công thần. Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý, ruộng thác đao chỉ dành cho một đời công thần, không truyền được cho con cháu và công thần cũng chỉ được hưởng phần thuế thu từ ruộng đó. Ấp thang mộc hay thực ấp là vùng đất được ban cho quan lại gồm một số lượng hộ dân cùng ruộng đất chịu sự quản lý của họ, được nhà Lý áp dụng khá rộng rãi. Nhưng, khi người được phong qua đời thì đương nhiên dòng họ đó hết quyền lợi và số hộ trở về với triều đình.
Còn về dân điền hay còn gọi là tư hữu, PGS.TS Sử học Nguyễn Thị Phương Chi, Viện Sử học cho biết: “Sở hữu tư của nhà Lý có 3 nội dung chính là sở hữu của các thế gia và sở hữu của nông dân, các quan lại cao cấp. Trong đó, ruộng đất của các thế gia và nông dân là rất lớn mà đến nay chúng ta vẫn biết đến và tìm được trong tư liệu của “Đại Việt Sử ký toàn thư” bằng những ghi chép qua các việc tranh chấp ruộng đất và tịch thu ruộng đất. Điều đó chứng tỏ việc sở hữu nông dân cũng đã từng khá phổ biến”.
Về dân điền, ngoài đất thuộc sở hữu của quan lại cao cấp và sở hữu của nông dân, còn có loại đất thuộc sở hữu của nhà chùa. Cụ thể, chùa Keo ở Thái Bình ngày nay, vào thời Lý, đã được các vua Lý cúng 1.731 mẫu và 2 sào.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi, song hành với việc ban bố các chế độ ruộng đất, nhà Lý rất chú trọng phát triển nông nghiệp, thông qua việc thực hiện các lễ tịch điền, ban hành các chính sách khuyến nông, bảo vệ sức kéo và chính sách đắp đê giữ nước...
PGS.TS Đại tá Lê Đình Sỹ, nguyên Phó Viện trưởng Viện lịch sử Quân sự phân tích một số dẫn chứng liên quan đến chính sách phát triển nông nghiệp của các vua Lý: “Về mặt kinh tế thì Nhà nước triều Lý đưa ra nhiều chính sách khuyến nông và phát triển công thương nghiệp. Có nhiều tài liệu đã nói là vua Lý và các đại thần như Lý Thường Kiệt rất coi trọng nông nghiệp, bảo vệ sức kéo nông nghiệp. Và chính đó là mục tiêu để xây dựng nước giàu, dân mạnh, quốc phú, binh cường của thời Lý”.
Để phát triển nông nghiệp, các vua triều Lý còn cho đắp đê giữ nước, đào kênh, mương để tưới, tiêu. Cụ thể, dưới triều vua Lý Nhân Tông, việc đắp đê sông Như Nguyệt, tức sông Cầu ngày nay, đã được tiến hành vào năm 1077. Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư” vào thời vua Lý Nhân Tông, một hệ thống đê điều đã được đắp ở cả phía trong và ngoài kinh thành. Đến năm 1108, triều Lý lại cho đắp đê ở phường Cơ Xá, đoạn đê sông Hồng, nay thuộc phường Bắc Biên, quận Long Biên, Hà Nội. “Đại Việt sử ký toàn thư” còn ghi rằng nhà Lý nhiều lần xuống chiếu cấm giết trâu bò để bảo vệ nguồn sức kéo chính cho sản xuất nông nghiệp.
Theo TS Sử học Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Giám đốc Thư viện Viện sử học, ngoài các chính sách khuyến nông, bảo vệ mùa màng, các vua thời Lý còn thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” (nghĩa là gửi binh lính vào nông nghiệp, cho quân lính lao động sản xuất ở địa phương trong một khoảng thời gian xác định). "Chính sách này bắt đầu vào thời Lý đã được xây dựng và đi vào thực tế. Các quân đều được chia theo phép “ngụ binh ư nông”. Thí dụ họ được chia làm 5 phiên thì có 4 phiên về làm nông nghiệp 1 phiên ở lại làm quân và sản xuất tự túc lương thực. Việc này đã tạo một không khí phấn khởi trong toàn dân”.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, chính sách “ngụ binh ư nông” phản ánh tư duy nông binh bất phân (không phân biệt quân đội và nhân dân), ở đâu có dân là ở đó có quân, phù hợp với điều kiện xây dựng nền quốc phòng của một đất nước vừa sản xuất vừa đánh giặc. Bên cạnh đó, chính sách này cũng thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa quân và dân, một yếu tố quan trọng giúp nước ta chiến thắng trong những trận đánh lớn. Đây có thể coi là nét đặc sắc trong nghệ thuật tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang của thời phong kiến ở nước ta mà thời Lý đã sớm hình thành. Chính sách này được áp dụng qua nhiều triều đại và để lại những bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong buổi đầu dựng nước, nhà Lý đã từng bước xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp dựa trên một cơ cấu phân định rõ ràng về chế độ quản lý, sở hữu các loại đất đai. Đây là cơ sở để nhà nước quản lý được tài sản của mình đồng thời phản ánh thiết chế, trật tự xã hội nhà Lý đương thời. Đó cũng là một trong những yếu tố góp phần xây dựng vương triều Lý ổn định, thịnh trị và lâu dài.
Hơn 1.000 đã trôi qua nhưng những chính sách về quản lý ruộng đất và phát triển kinh tế nông nghiệp của thời Lý vẫn có giá trị với những bài học quý về giữ nước và dựng nước.
Mời nghe nội dung bài viết tại đây: