Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, cả nước có 11,41 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số, trong đó có 1.918.987 người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17% tổng số người cao tuổi), có 7.294.100 người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn (chiếm 41,9%), tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao hơn bình quân chung của cả nước; người cao tuổi là dân tộc thiểu số chiếm gần 10%. Khoảng 3,1 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, chiếm 27,1% tổng số người cao tuổi (trong đó người cao tuổi hưởng lương hưu là 1,8 triệu người, chiếm 15,8% tổng số người cao tuổi). Gần 1,7 triệu người cao tuổi được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng (chiếm 14,8% tổng số người cao tuổi), 1,4 triệu người cao tuổi hưởng chính sách người có công (chiếm 12,3%).

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2036 nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 14,17% tổng dân số. Khi đó Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già. Song đa số người cao tuổi không có tích lũy, thu nhập thấp, một bộ phận cuộc sống phải dựa vào con cháu; nhiều trường hợp sống độc thân, cô đơn không nơi nương tựa. Trong số người cao tuổi tại Việt Nam, 73% không có lương hưu hay trợ cấp BHXH hàng tháng, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và phải sống phụ thuộc vào con cái. Số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều người cao tuổi sức khỏe kém vẫn phải tự lao động và kiếm sống hàng ngày. Vì vậy, đời sống của người cao tuổi, nhất là ở vùng nông thôn còn rất khó khăn, vất vả, tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%.

Ông Phạm Đại Đồng, Trưởng phòng Người cao tuổi, Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội cho biết, tuổi thọ trung bình cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi ở nước ta thấp (64 tuổi), đặc biệt, có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu.

Khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền, trung bình 1 người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh. Chỉ có khoảng 60% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Hơn 70% người cao tuổi có khó khăn về vật chất. Do đó, trong những năm qua, nhiều chính sách ưu đãi dành cho người cao tuổi được triển khai, thực hiện nhằm thực hiện tốt công tác trợ giúp, chăm sóc người cao tuổi trong gia đình và cộng đồng.

Mức trợ cấp xã hội hằng tháng cho người cao tuổi được quy định trong khoản 1 Điều 6 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP cụ thể như sau:

Người đủ 60 - 80 tuổi, thuộc diện hộ nghèo, không có người thân, con cái phụng dưỡng hoặc có những người thân, cao cái đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng: Trợ cấp 540.000đ/tháng.

Người đủ 80 tuổi trở lên, thuộc diện hộ nghèo, không có người thân, con cái phụng dưỡng hoặc có những người thân, con cái đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng: Trợ cấp 720.000đ/tháng.

Người đủ 75 - 80 tuổi, thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sống ở xã đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt khó khăn: Trợ cấp 360.000đ/tháng.

Người đủ 80 tuổi trở lên, không nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng: Trợ cấp 360.000đ/tháng.

Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không đủ điều kiện sống ở cộng đồng, không có người chăm sóc, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi, chăm sóc tại cộng đồng: Trợ cấp 1.080.000đ/tháng.

Ngoài ra, người cao tuổi còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khác như: được cấp thẻ BHYT miễn phí, được ưu tiên khám, chữa bệnh, được giảm giá vé, giá dịch vụ…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc NCT, thời gian tới, các cấp các ngành cũng như các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với người cao tuổi cũng như tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp cận với các dịch vụ tốt nhất.

Mời nghe âm thanh tại đây: