Mới đây, Cơ quan công an quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội bắt giữ 2 vợ chồng Nguyễn Thị Vân Anh và Đào Quốc Huy cùng đối tượng Khương Thị Tuyến ở thành phố Hà Nội dùng thủ đoạn đề nghị người có nhu cầu vay lãi nặng chụp chứng minh thư cùng ảnh chân dung, ảnh giao diện tài khoản mạng xã hội và đặc biệt là ảnh khỏa thân. Ai không đáp ứng được các điều kiện trên thì phải cung cấp mật khẩu điện thoại thế chấp hoặc tên đăng nhập, mật khẩu tài khoản mạng xã hội, tài khoản icloud. Đến hạn không trả, vợ chồng Vân Anh sẽ dùng những tài liệu "nhạy cảm" này để uy hiếp khách hàng. Không chỉ có vợ chồng Huy - Vân Anh, thời gian gần đây, nhiều đối tượng cho vay nặng lãi cũng đã sử dụng chiêu thức cho vay "mới" này.

Theo quy định, người cho vay sẽ phạm tội cho vay lãi nặng khi mức lãi suất phải cao gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất được Bộ luật Dân sự quy định. Luật sư Phạm Thị Thu, Giám đốc Công ty luật số 1, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Điều 201 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định 02 khung hình phạt chính và 01 hình phạt bổ sung đối với tội cho vay lãi nặng. Theo đó, phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Nếu người phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu trở lên có thể bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Với hành vi người cho vay buộc người vay phải quay, chụp ảnh chân dung, chứng minh thư/thẻ căn cước công dân, ảnh giao diện trên mạng xã hội Facebook, Zalo, video và hình ảnh khỏa thân, nude, nhạy cảm sau đó gửi cho nhóm này để thế chấp cho khoản vay, luật sư Phạm Thị Thu phân tích: đây được hiểu là thủ đoạn, cách thức để các đối tượng cho vay nặng lãi có thể sử dụng để đe dọa, uy hiếp tinh thần của nạn nhân, buộc nạn nhân phải trả nợ. Hành vi này xâm phạm nghiêm trọng bí mật, đời tư cá nhân, danh dự, nhân phẩm của người khác, là hành vi trái thuần phong mỹ tục, đạo đức, văn hóa của người Việt Nam. Theo quy định của pháp luật hiện hành, ngoài bị xử lý về hành vi cho vay nặng lãi, tùy vào tính chất, mức độ và hành vi người phạm tội còn có thể bị xử lý về Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự hoặc Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 326 BLHS), Tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS).

Thực tế cho thấy những người vay đều lâm vào hoàn cảnh khó khăn hoặc nhu cầu bức thiết, nhiều người không có tài sản đảm bảo nên mới buộc phải thế chấp bằng các hình ảnh, clip nhạy cảm riêng tư để được vay tiền. Chính việc vay tiền bằng mọi giá, không lường trước những rủi ro có thể xảy ra đối với bản thân, để các đối tượng cho vay nặng lãi lợi dụng, uy hiếp tinh thần đòi nợ.

Mời quý vị và các bạn nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với luật sư Phạm Thị Thu - Giám đốc công ty luật số 1 Hà Nội tại đây: