Súng tự chế một loại vũ khí có kết cấu đơn giản nhưng độ sát thương rất cao tương đương với các loại súng chuyên dụng. Hiện nay, ở một số địa phương, người dân đã lạm dụng loại súng này phục vụ việc săn bắt và kéo theo đó là những nguy hại khó lường. Đã có những vụ án mạng và những cái chết thương tâm gây ra bởi loại vũ khí này.

# Ngày 29/3, tại thôn Hợp Thành, xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình xảy ra vụ tai nạn rủi ro thương tâm. Nguyên nhân là trong lúc chơi đùa, cháu Bùi Văn L., 12 tuổi dùng súng tự chế của bố là Bùi Văn M. bắn vào đầu cháu Bùi Tuấn Ph., 6 tuổi, trú cùng thôn dẫn đến cháu Ph. bị thương tích nặng. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, gia đình đã đưa cháu Ph. đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hòa Bình. Sau đó được giới thiệu đi bệnh viện ở tỉnh Ninh Bình để cứu chữa nhưng không qua khỏi.

# Ngày 8/3, Công an huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn phát hiện Hoàng Văn Tùng trú tại huyện Hữu Lũng, cùng 2 đối tượng khác đang có hành vi sản xuất, chế tạo đạn súng săn. Qua đó, cơ quan công an đã tổ chức khám xét, thu giữ tang vật gồm: 159 cân đạn chì; 3 bộ máy tự chế sản xuất súng săn cùng khoảng 700 cân nguyên liệu chì dẻo, quặng chì dùng để sản xuất đạn súng săn. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận từ đầu tháng 2 năm 2022 đã lên mạng để mua nguyên liệu đạn chì, máy nén khí, máy cắt nhằm sản xuất đạn cho súng hơi, súng săn. Sau khi hoàn thành công đoạn sản xuất, các đối tượng rao bán trên mạng xã hội.

Nguy hiểm là thế nhưng thời gian gần đây, tình trạng chế tạo và tàng trữ súng trái phép đang có dấu hiệu gia tăng.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Công ty Luật hợp danh The light cho biết: "Những đối tượng không thuộc các trường hợp được phép sử dụng súng sẽ bị xem xét xử phạt theo quy định tại Điểm a, Khoản 6, Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, hành vi sử dụng súng trái phép sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, nghĩa là cơ quan Nhà nước sẽ tịch thu, tiêu hủy tang vật là súng. Nếu có đủ căn cứ, có thể bị xem xét để xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 306, Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về tội: “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ”. Trong trường hợp này, tùy từng tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo chế tài của pháp luật và cao nhất là đến 7 năm tù."

Người dân bình thường không thuộc trường hợp được sử dụng súng nên không được tự chế, mua bán hoặc tàng trữ súng. Nếu nhặt được súng, người dân cần giao nộp ngay cho công an.

"Nếu không giao nộp mà bị cơ quan chức năng phát hiện, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ bị áp dụng hình phạt khác nhau. Nếu đó là vũ khí quân dụng thì có thể bị xem xét xử lý theo quy định tại Bộ Luật Hình sự 2015 về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Nếu không phải súng quân dụng, có thể bị xem xét xử lý theo Điều 306, Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về tội: “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ. Do đó, người dân nên có ý thức tự giác giao nộp súng nếu vô tình có được dưới bất cứ hình thức nào." - Luật sư Hưng cho biết thêm.

Mời các bạn nghe toàn bộ cuộc trao đổi của luật sư Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Công ty Luật hợp danh The light với phóng viên chương trình Cầm tay chỉ luật: