Tháng 1/2019, chị H. ở đường Lê Hồng Phong, thành phố Hưng Yên có vay của Công ty tài chính FE Credit 28 triệu đồng. Tuy nhiên, khi muốn tất toán hợp đồng, chị gọi điện thông báo với tổng đài sẽ không tiếp tục đóng tiền tại các điểm thu hộ mà muốn gặp đại diện trực tiếp để tất toán, chị lại không nhận được câu trả lời rõ ràng. Từ đó, bản thân chị H. và nhiều người thân trong gia đình liên tục nhận được những cuộc điện thoại, nhắn tin đe dọa từ các số điện thoại khác nhau.
Anh N.T.T. ở Gia Lâm, Hà Nội còn rơi vào hoàn cảnh trớ trêu hơn khi anh không hề vay tiền ở bất kỳ đâu nhưng lại liên tục nhận được các cuộc gọi đòi nợ: "Họ liên tục gọi điện bảo trả nợ. Hỏi ra mới biết là có 1 đồng nghiệp vay tiền xong điền tên và số điện thoại của tôi vào mục người bảo lãnh. Đến khi người này chậm trả và không liên lạc được thì họ gọi đòi nợ tôi."
Không dừng lại ở đó, những người này còn vào facebook của anh N.T.T. đăng ảnh bôi nhọ danh dự của đồng nghiệp và cá nhân anh: "Thực sự rất bức xúc vì mình không vay, không nợ ai cái gì mà lại bị làm phiền như thế. Tôi đã xóa ảnh này đi nhưng vẫn có bạn bè, người thân xem được và nhắn tin hỏi tôi xem có chuyện gì? Tôi thấy rất là xấu hổ và cảm thấy bị xúc phạm."
Hành vi đòi nợ của những người này chỉ dừng lại khi anh N.T.T. tỏ thái độ cứng rắn: "Tôi đã nói rõ là mình không biết gì về chuyện này. Nếu cần đòi nợ họ có thể tìm người đã vay tiền hoặc gửi công văn đến cơ quan tôi, sẽ có bộ phận xử lý chuyện này. Nếu họ còn tiếp tục quấy rối, tôi sẽ nhờ đến pháp luật can thiệp."
Chuyện bỗng dưng bị đòi nợ như anh N.T.T. hay người thân của chị H. không phải là hiếm. Bởi hiện nay có những công ty, tổ chức tài chính cho vay bằng hình thức tín chấp. Khi làm hồ sơ vay, người đi vay phải cung cấp thông tin cá nhân (chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân kèm bằng lái xe, ảnh chân dung) và một yêu cầu bắt buộc nữa là phải cung cấp thông tin liên lạc của người thân, bạn bè để bên cho vay có thể liên lạc khi đòi nợ. Nếu người vay quên hoặc cố tình không thanh toán tiền vay thì người thân, bạn bè của người vay sẽ bị “khủng bố” bằng điện thoại, tin nhắn với giọng điệu từ nhỏ nhẹ đề nghị nhắc nhở người vay trả nợ đến đe dọa, chửi bới…, thậm chí còn bị người đòi nợ bêu xấu trên các trang mạng xã hội.
Nhưng các chiêu trò này vẫn được coi là nhẹ nhàng so với hành động “khủng bố” trực tiếp của những kẻ đi đòi nợ. Năm ngoái, dư luận đã vô cùng phẫn nộ trước hành vi đòi nợ của 1 nhóm người với con nợ là người đàn ông tên T. ngụ ở quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Để buộc ông T. trả món nợ 40 triệu đồng đã vay của công ty tài chính, nhóm người này đã dùng đủ cách như chửi bới, uy hiếp, hành hung…, thậm chí là ép vợ chồng ông T. đến trụ sở công ty ký giấy nhận nợ 105 triệu đồng và phải trả trong 2 ngày. Quá bức xúc và quẫn bách, người đàn ông này đã phải nhảy sông tự tử. Và dư luận 1 lần nữa dậy sóng khi cuối tháng 4 năm nay, ở tỉnh Bình Dương, 4 đối tượng đi đòi nợ đã đánh đập con nợ, khiến người này tử vong trên đường đến bệnh viện.
Vấn nạn khủng bố con nợ và người thân bằng mọi hình thức từ lâu nay đã khiến xã hội bất an nhưng vẫn ngang nhiên tiếp diễn. Để bảo vệ mình và người thân, nếu bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền hoặc bêu xấu, sử dụng hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội, thậm chí uy hiếp, đe dọa… người bị hại nên nhanh chóng trình báo cơ quan công an ở địa phương để cơ quan chức năng liên quan điều tra làm rõ và xử lý.