Theo quy định tại Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đưa ra 2 phương án nhằm “giải quyết vấn đề rút BHXH 1 lần” đang có xu hướng gia tăng. Phương án một, người tham gia đóng BHXH trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) đã thất nghiệp 12 tháng và có nhu cầu thì được rút BHXH 1 lần. Còn người bắt đầu đi làm và tham gia BHXH từ sau 1/7/2025 sẽ không được rút BHXH một lần, trừ trường hợp theo quy định. Phương án hai, người lao động được rút BHXH với mức không quá 50% tổng thời gian đóng, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ.
Tính đến tháng 4/2024 đã có gần 121.900 người nghỉ việc hưởng BHXH một lần, cao nhất từ trước đến nay. Dự báo nếu đà tăng này tiếp tục thì năm 2024 ước có khoảng 1,4 triệu người hưởng BHXH một lần. Trước thực trạng này, thảo luận về dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, nhiều đại biểu cho rằng, cần có những giải pháp tối ưu để đảm bảo cho hàng triệu người lao động không bị ra khỏi lưới an sinh, không được bảo đảm cuộc sống khi về già.
Trao đổi với PV VOV2 bên hành lang kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, ông Mai Văn Hải, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn. Bởi nếu theo phương án 2 người lao động được rút không quá 50% thời gian đóng BHXH thì đây không phải là số tiền quá lớn giúp giải quyết được khó khăn trước mắt, đồng thời số tiền còn lại cũng không đảm bảo được quyền lợi an sinh về sau cho họ. "Việc rút BHXH 1 lần thường xảy ra khi người lao động không còn lựa chọn nào khác mới phải rút. Quản điểm của tôi thống nhất với phương án 1, như vậy sẽ giữ chân được người lao động và về sau cuộc sống của họ cũng được đảm bảo. Tuy nhiên, cũng cần có những quy định, chính sách hỗ trợ người lao động khi họ gặp khó khăn thì có thể tiếp cận với chính sách ưu đãi nhất để giải quyết khó khăn trước mắt đã, hoặc hỗ trợ họ học tập chuyển đổi ngành nghề....như vậy thì người lao động sẽ an tâm và hạn chế rút BHXH 1 lần....", đại biểu Mai Văn Hải nêu ý kiến.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương lại cho rằng, cả 2 phương án trên đều chưa phải là những phương án tối ưu. Vì trong bối cảnh nước ta hiện nay, nhiều người lao động cần một khoản chi phí để trang trải khó khăn trước mắt khi thất nghiệp. Nếu hạn chế việc rút BHXH một lần sau khi luật này có hiệu lực như phương án 1 sẽ gây phản ứng trái chiều, thậm chí khiến nhiều người lao động bị đẩy vào thế khó. Còn nếu chỉ áp dụng phương án 2, người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ cảm thấy quyền lợi bị hạn chế, mất công bằng và có tâm lý ồ ạt rút bảo hiểm xã hội trước khi luật có hiệu lực. Do vậy có thể cân nhắc tích hợp hai phương án để đưa ra giải pháp tốt hơn.
Đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đề xuất nên có phương án thứ 3 và có thể hoãn thời gian thông qua Luật BHXH sửa đổi. Cụ thể, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ sau ngày 01/7/2025 thì vẫn cho phép người lao động hưởng BHXH một lần theo lộ trình giảm dần, mỗi năm giảm 20% và chấm dứt vào năm 2030: Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng Quốc hội nên xem xét phương án là để thêm một kỳ, sau khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương thì mới biểu quyết luật này. Như vậy sẽ phù hợp hơn và giải quyết được rất nhiều vấn đề mà luật đặt ra.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Khánh Thu, doàn Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, khi Nhà nước thực hiện chế độ tiền lương mới sẽ phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ trước và sau ngày 1/7/2024. Bên cạnh đó, các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tự chủ cũng chưa có cơ sở để điều chỉnh mức đóng cho người lao động. Đại biểu đề nghị " xem xét thông qua dự thảo luật này tại kỳ họp 8 vào cuối năm nay để có thời gian đánh giá sự ổn định, tác động thực tế của cải cách tiền lương với chính sách BHXH cũng như luật liên quan".
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề tác động của cải cách tiền lương liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, báo cáo giải trình, tiếp thu của Chính phủ về nội dung này cũng chưa thống nhất. Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho thấy việc chuẩn bị và đánh giá tác động của chính sách này còn nhiều bất cập. Bà Trần Thị Hoa Ry, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cho rằng chính sách bảo hiểm xã hội còn là sự chia sẻ giữa các thế hệ, không chỉ là nguyên tắc “đóng hưởng” của mỗi cá nhân. Do đó người làm việc đóng bảo hiểm xã hội hôm nay sẽ có tác động đến lương hưu của người đã nghỉ hưu và sự chia sẻ giữa các thế hệ cần phải được quan tâm trong quá trình cải cách tiền lương. Đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động trước khi thông qua Luật BHXH (sửa đổi). Vì thế nên lùi thời gian thông qua Luật sau khi thực hiện cải cách tiền lương.
Để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, hạn chế tối đa việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, thì dù lựa chọn phương án nào, thông qua Luật vào thời điểm nào cũng cần quan tâm đến các đề án hỗ trợ để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội được vay vốn tín dụng theo các cơ chế, chính sách đặc thù khi gặp khó khăn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.