Điều hành chính sách tài khóa kịp thời hỗ trợ nền kinh tế

Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình cấp thẩm quyền ban hành các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2023, với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm 79 nghìn tỷ đồng; gia hạn 121 nghìn tỷ đồng).

Trong đó, có rất nhiều chính sách lớn, như: giảm 2% thuế giá trị gia tăng; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; giảm 10 - 50% đối với 36 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2023. Có chính sách số tiền gia hạn lên tới hơn 100 nghìn tỷ đồng. Riêng chính sách giảm 36 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Tài chính dự kiến tác động giảm thu khoảng 700 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhưng ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu NSNN đạt và vượt dự toán đề ra.

Tính đến hết 25/12/2023, thu NSNN đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, tăng 72,7 nghìn tỷ đồng (tăng 4,5%) dự toán, giảm 4,2% so cùng kỳ năm 2022 (ngân sách trung ương (NSTW) tăng 4,6%; ngân sách địa phương (NSĐP) tăng 4,4% so với dự toán).

Trong đó, thu nội địa tăng 5,7%; thu dầu thô đạt tăng 44,6%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 92,1% dự toán. Tổng số đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng, trong đó: miễn, giảm khoảng 78,4 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng.

Ưu tiên chi đầu tư phát triển

Năm 2023, Bộ Tài chính tăng cường quản lý chi NSNN, chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Bộ đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quản lý, điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên.

Đáng lưu ý, trong điều hành, Bộ Tài chính đã ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển ngay từ khâu phân bổ dự toán và phân bổ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của NSTW, nhất là đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, giao thông kết nối liên vùng (3 năm đầu nhiệm kỳ 2021-2025, cả nước đã hoàn thành trên 730 km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài cao đường cao tốc lên 1.900km).

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã xử lý các vấn đề phát sinh như: bố trí kinh phí mua vắc-xin chương trình tiêm chủng mở rộng; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia; báo cáo các nội dung bất cập giữa 2 Luật NSNN và Luật Đầu tư công.

Về xây dựng pháp luật, trong năm 2023, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội thông qua Luật Giá mới và 5 nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2 nghị quyết. Đến nay, Bộ Tài chính đã xây dựng trình Chính phủ ban hành 19 nghị định, xem xét ban hành 15 dự thảo nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 quyết định, xem xét ban hành 2 quyết định; ban hành theo thẩm quyền 64 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - NSNN.

Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN năm 2023 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tổng số chi NSNN đến ngày 31/12/2023 ước đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 144 nghìn tỷ đồng (33%) so cùng kỳ năm 2022; chi thường xuyên đạt 90,3% dự toán. Công tác chi NSNN đã đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách; đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; đảm bảo kinh phí thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2023 (đã dành khoảng 470 nghìn tỷ đồng của ngân sách các cấp để thực hiện cải cách chính sách tiền lương), chính sách an sinh xã hội đã ban hành.

Với kết quả thu, chi NSNN nêu trên, cân đối NSTW và NSĐP được đảm bảo. Ước tính năm 2023, bội chi NSNN thực hiện khoảng 4% GDP, giảm 40,3 nghìn tỷ đồng so với dự toán.

Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn. Lũy kế đến ngày 25/12/2023, đã phát hành được 296,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, bằng 74,2% kế hoạch đầu năm, kỳ hạn phát hành bình quân 12,54 năm, lãi suất bình quân 3,21%/năm.

Thành công nổi bật tiếp theo bên cạnh nhiệm vụ thu NSNN, hỗ trợ doanh nghiệp là tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, tiếp tục tái cơ cấu theo hướng an toàn, bền vững. Dự kiến đến cuối năm 2023, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép, tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.

Năm 2023, cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P, Moody’s và Fitch Ratings tiếp tục đánh giá tích cực xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, trong đó Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức BB lên mức BB+ “Triển vọng ổn định”; S&P và Moody’s giữ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (tương ứng là BB+ “Triển vọng ổn định”; Ba2 “Triển vọng tích cực”).

Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về định hướng công tác năm 2024 của ngành tài chính: