Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Luật sư Đinh Thị Chúc, Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn DPC, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:

Theo thống kê, năm 2024 có hơn 1.600 vụ cháy nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh trong đó một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Như vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính, Hà Nội khiến 14 người tử vong, 3 người bị thương, thiệt hại nặng nề về tài sản là vụ cháy gây rúng động dư luận. Đây là nhà ở của gia đình và dành một phần để cho thuê. Trong đó, có 13 phòng với tổng số 24 người bao gồm cả khách thuê và chủ nhà. Nguyên nhân vụ cháy là do chập mạch điện tại khu vực đầu xe máy điện, sau đó cháy lan ra các xe máy xung quanh.

Cuối tháng 11, căn nhà bán đồ thờ cúng, dịch vụ mai táng nằm trên đường Phương Sài, thành phố Nha Trang xảy ra tiếng nổ lớn, khói lửa bốc lên dữ dội. Gia đình gặp nạn có 6 người. Lúc xảy ra cháy, người chồng đi làm nên không có nhà, khi đám cháy bùng phát ông bà và người mẹ dùng bình xịt trong nhà chữa cháy thế nhưng khói lửa bao trùm toàn bộ gác lửng, hơi nóng bốc lên mạnh, các nạn nhân không thể thoát ra ngoài.

Vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh xảy ra cuối tháng 6 tại phố Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) làm 4 người tử vong. Ngôi nhà bị cháy thiết kế kiểu ống, ba phía áp sát với nhà 4 tầng cho thuê trọ, nhà cấp 4 và 5 tầng. Toàn bộ tầng 1 kinh doanh vật liệu xây dựng, thiết bị điện nước. Tầng 2 - 3 là kho chứa hàng. Phía trước, từ tầng 1 đến 3, chủ nhà treo kín biển quảng cáo các mặt hàng kinh doanh. Đó là lý do các nạn nhân không tìm được lối thoát.

Luật sư Đinh Thị Chúc, Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn DPC, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Điều 7 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình sống kết hợp với sản xuất kinh doanh, Điều 17 Luật phòng cháy chữa cháy sửa đổi bổ sung 2013 quy định về phòng cháy đối với nhà ở và khu dân cư thì nhà ở kết hợp kinh doanh cần đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy như sau:

Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.

Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an

Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 21 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 quy định nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây:

a) Các điều kiện an toàn về phòng cháy quy định tại Điều 20 của Luật này;

b) Có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn theo quy định;

c) Khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ phải có giải pháp ngăn cách hoặc ngăn cháy với khu vực để ở.

Còn đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ, khoản 2 Điều 21 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 quy định:

a) Các điều kiện an toàn về phòng cháy quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Không bố trí chỗ ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh;

c) Có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị phát hiện sự cố rò rỉ chất khí nguy hiểm về cháy, nổ phù hợp với công năng, đặc điểm của nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;

d) Khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải được ngăn cháy với lối thoát nạn của khu vực để ở.

Trong trường hợp chủ kinh doanh nhà trọ thuộc diện phải tiến hành thủ tục thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy cho nhà trọ nhưng không thực hiện, sẽ xử phạt theo quy định. Đối với mức xử phạt hành chính khi để xảy ra cháy, nổ thì tại Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;

b) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;

c) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 4 Điều này.

Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 cũng quy định trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vi phạm trong những trường hợp sau:

Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."